Có những người 'cách ly' chưa biết ngày về

Trong những ngày này, dịch bệnh đang ngày càng phức tạp. Có khu phố giờ đang “vườn không nhà trống” vì người thì bị nhiễm đưa đi điều trị, người là F1 phải đi cách ly. Có gia đình hầu hết thành viên đều bị nhiễm.

Có chứng kiến mới thấy được sự phức tạp và nghiệt ngã của dịch COVID-19. Ngay lúc này đang có hàng ngàn y bác sĩ đang từng giây, từng phút giành giật sự sống cho những bệnh nhân COVID-19 nặng. Bên cạnh đó, cùng có hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và các tình nguyện viên đang thầm lặng chiến đấu với dịch bệnh tại các khu cách ly (KCL), phong tỏa.

Làm việc từ chiều đến 3 giờ sáng không kịp ăn cơm, khi xong việc bạn Liên mệt quá nằm trên bàn thiếp đi. Ảnh: LÊ ÁNH

Dù trời đang mưa lớn nhưng để những người trong khu cách ly có cơm
ăn đúng giờ, các tình nguyện viên vẫn dầm mưa đưa cơm. Ảnh: LÊ ÁNH

Sẵn sàng vào vùng nguy hiểm

Gặp bạn Nguyễn Tiến Khoa (sinh viên năm ba Trường CĐ Y tế Bình Dương) trong KCL Trường Tiểu học Phú Lợi 2 (phường Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), lúc Khoa đang đi đo nhiệt độ, kiểm tra sức khỏe cho từng người trong KCL.

Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, sau khi đo nhiệt độ cho mọi người, Khoa ân cần hỏi thăm sức khỏe mọi người. Khoa cũng cho số điện thoại của mình, nếu ai cần hỗ trợ bất cứ điều gì thì đều có thể gọi, Khoa cùng mọi người trong KCL sẽ hỗ trợ hết mình.

Cả ngày mặc đồ bảo hộ làm việc, không tránh khỏi mệt mỏi nhưng khi gặp mọi người Khoa vẫn vui vẻ cười nói. Mọi người ai cũng quý nhưng không biết mặt mũi thế nào.

“Nhiều lúc cũng mệt nhưng em biết rằng ai vào đây đều hoang mang, lo lắng rồi. Thế nên em và mọi người trong KCL cố gắng tạo không khí thoải mái nhất để mọi người cảm thấy yên tâm hơn, từ đó bớt lo lắng, giữ sức khỏe thật tốt để có sức đề kháng, chống lại nguy cơ nhiễm bệnh” - Khoa chia sẻ.

Khi tôi viết bài này cũng chính là lúc Khoa nhận nhiệm vụ mới, nhiệm vụ lần này gian nan và nguy hiểm hơn. Nơi Khoa chuyển qua là KCL Trường THCS Nguyễn Văn Cừ (phường Chánh Mỹ, TP Thủ Dầu Một) mới được thành lập. Nơi đây tiếp nhận toàn bộ F0 nhiễm và nghi nhiễm.

“Nguy hiểm thì ai cũng sợ nhưng những gì em đối mặt vẫn chưa là gì so với các y bác sĩ đang từng ngày giành giật sự sống cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng cả” - Khoa cười nói.

Cũng như Khoa, bạn Nguyễn Thị Mỹ Liên ở Thành đoàn TP Thủ Dầu Một là một cô gái với thân hình nhỏ bé nhưng vẫn xung phong qua KCL Trường THCS Nguyễn Văn Cừ để chống dịch.

“Em xung phong qua bên này, không phải em không sợ nguy hiểm nhưng nếu ai cũng sợ nguy hiểm thì ai sẽ vào vùng nguy hiểm chống dịch. Làm việc ở nơi có nguy cơ cao như thế này, em cố gắng bảo vệ bản thân để không bị lây nhiễm, rồi cùng mọi người chăm sóc cho những F0 thật chu đáo để họ vững tin chống chọi với dịch bệnh” - Liên nói.

Liên tâm sự: “Ở đây toàn F0 nên công việc nhiều hơn các KCL khác. Ở đây có thể coi là khu điều trị cho những bệnh nhân nhẹ. Mọi người bắt đầu làm thủ tục tiếp nhận từ gần 17 giờ đến tận 3 giờ sáng mới xong”.

Đó là sự nhiệt huyết, lòng quả cảm của những bạn trẻ đang ngày đêm thầm lặng chiến đấu với đại dịch. Dẫu biết rằng đang phải đối mặt với nguy hiểm nhưng không ai nao núng, vẫn một lòng quyết tâm.

“Cách ly” chưa biết ngày về

Cũng giống như hàng trăm, hàng ngàn chiến sĩ trên các mặt trận khác, Đại úy Nguyễn Quang Hiệp (Ban chỉ huy Quân sự TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) từ lúc dịch bùng phát đến giờ vẫn chưa một lần được về nhà thăm vợ con.

Ngày 5-6, khi Trường Tiểu học Phú Lợi 2 được trưng dụng làm KCL tập trung, anh cùng hơn 10 người khác là các dân phòng, bác sĩ và sinh viên tình nguyện tiếp nhận nhiệm vụ quản lý, điều hành và phục vụ những người phải cách ly tại đây.

KCL tập trung này có năng lực tiếp nhận trên 200 người, có thời điểm các phòng hầu như kín người. Hằng ngày, đúng giờ mỗi buổi đội ngũ chiến sĩ, tình nguyện viên mang cơm đến phát cho người cách ly và đo nhiệt độ cho từng người để kiểm tra xem có ai sốt bất thường không.

Ngoài ra, các bạn tình nguyện còn phải thường xuyên phun khử khuẩn, tiếp nhận những người mới đến cách ly bảo vệ an toàn cho KCL.

“Đối với tôi thì ở đâu cũng là thực hiện nhiệm vụ, tôi luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao dù có khó khăn hay nguy hiểm” - anh Hiệp nói.

Anh Hiệp cũng cho biết thêm anh chỉ thương các bạn tình nguyện viên, nhiều bạn chưa từng làm việc trong môi trường như thế này nên đôi khi mệt và nhớ người thân.

Từ ngày KCL này được thành lập, ở đây đón người đến, đưa người về hết đợt này đến đợt khác. Mọi người chỉ mong một ngày sớm nhất KCL phòng không giường trống và không có ai được chuyển đến nữa.•

 

Kêu gọi cán bộ y tế nghỉ hưu tham gia chống dịch

Ngày 24-7, UBND thị xã Bến Cát (Bình Dương) đã có thư kêu gọi nguyên cán bộ y tế đã nghỉ việc, nghỉ hưu trên địa bàn thị xã Bến Cát chung tay đăng ký tình nguyện tham gia công tác phòng chống dịch để góp sức và chia sẻ với những khó khăn của ngành y tế.

Theo ông Nguyễn Trọng Ân, Chủ tịch UBND thị xã Bến Cát, dịch bệnh COVID-19 tại địa phương nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung đang diễn biến hết sức phức tạp, số ca nhiễm ngày càng tăng.

Các cơ sở cách ly, điều trị đang quá tải, gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm