Cơ quan thuế làm khó người dân

Anh em ông Phan Văn Công (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) phản ánh họ đang bị Chi cục Thuế quận làm khó, không cho đóng thuế để nhận di sản thừa kế trong khi mọi giấy tờ thủ tục họ đã hoàn chỉnh.

Họ cho biết cuối năm 2013, cả hai đã đến Văn phòng Công chứng Nhà Rồng (quận 12) làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo pháp luật (là căn nhà và đất) do người mẹ để lại. Theo hai người, họ được hưởng trọn di sản, không còn người thừa kế nào khác. Tuy nhiên, nhận thấy trong giấy khai sinh của hai người đều ghi tên cha (không có thông tin về ngày tháng năm sinh, dân tộc, quốc tịch, nghề nghiệp, nơi đăng ký thường trú) nên văn phòng công chứng đã tiến hành xác minh. Kết quả cho thấy người mẹ không có chồng hợp pháp, tên cha trong giấy khai sinh do người mẹ nghĩ ra khi làm khai sinh cho con. Cụ thể theo giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do UBND phường 11 (quận Gò Vấp) lập thì từ năm 1976 người mẹ chưa đăng ký kết hôn tại địa phương. Giấy chứng nhận hộ khẩu thường trú sao lục tại tàng thư công an quận thể hiện gia đình này chỉ có ba nhân khẩu. Giấy tờ nhà, đất do UBND quận cấp ghi người đứng sổ là người mẹ kèm theo ghi chú: “Độc thân”. Giấy cam kết của hai anh em ông Công (UBND phường chứng thực) cũng ghi: “Từ trước tới nay mẹ tôi sống độc thân hoàn toàn”.

Căn nhà anh em ông Công đang phải chờ cơ quan thuế giải quyết để được hưởng thừa kế. Ảnh: THANH TÙNG

Để chắc chắn hơn, trước khi chứng nhận, công chứng viên niêm yết văn bản khai nhận thừa kế tại phường (trong thời hạn 15 ngày theo quy định) nhưng không có tranh chấp khiếu nại nào. Sau đó, văn phòng công chứng đã chứng hàng thừa kế thứ nhất chỉ có anh em ông Công.

Đầu tháng 11-2013, anh em ông Công mang hồ sơ đến Chi cục Thuế quận Gò Vấp kê khai thuế trước bạ và thuế thu nhập cá nhân đối với tài sản trên. Sau khi xem xét, Chi cục Thuế cho rằng văn phòng công chứng cần phải kiểm tra lại hồ sơ bởi người cha trong giấy khai sinh vẫn chưa được làm rõ.

Vừa qua, Văn phòng Công chứng Nhà Rồng có văn bản phúc đáp khẳng định hàng thừa kế thứ nhất không còn ai khác ngoài anh em ông Công. Người mẹ không đăng ký kết hôn với ai và không có hôn nhân thực tế với ai. Văn phòng công chứng đề nghị Chi cục Thuế quận giải quyết cho đương sự nộp thuế.

Tuy nhiên, khi anh em ông Công đến nộp thuế thì cơ quan thuế vẫn không chấp nhận, buộc phải tiếp tục xác minh như đã yêu cầu trước đó. Theo anh em ông Công, cơ quan thuế đang làm khó họ, gây thiệt thòi cho quyền lợi của họ.

THANH TÙNG

 

Không được bắt đương sự tiếp tục chờ

Trước hết, về thủ tục, anh em ông Công đã làm đúng quy định trong việc khai nhận di sản thừa kế. Do đó, theo nguyên tắc, các cơ quan có thẩm quyền phải đảm bảo quyền lợi cho họ. Cơ quan nào làm sai thì giải quyết trách nhiệm của cơ quan đó sau.

Thứ hai, văn phòng công chứng là một tổ chức hành nghề luật, có trách nhiệm “gác cửa” các vấn đề pháp lý trong các quan hệ thuộc chuyên môn của mình. Do vậy hợp đồng công chứng là văn bản có giá trị pháp lý sau khi thực hiện, không ai có quyền phủ nhận nó. Đành rằng có thể cơ quan thuế có ý tốt trong việc giúp công chứng phát hiện các sai sót nhưng vẫn phải đảm bảo quyền lợi cho người dân vì chuyên môn của thuế không phải là rà soát pháp lý. Nếu công chứng sai thì vẫn có cơ chế giải quyết, khắc phục. Chẳng hạn trong vụ này, nếu hồ sơ khai nhận di sản bị sót người thừa kế thì luật cho phép họ quyền yêu cầu tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.

Do vậy, trường hợp này cơ quan thuế phải giải quyết cho người dân.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, giảng viên
Trường 
ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm