Có thư tình mới cho nhận con: Đòi hỏi máy móc!

Bài “Muốn nhận con phải có thư tình của cha?”(Pháp Luật TP.HCM ngày 10-11) phản ảnh trường hợp của anh Nguyễn Hoàng Phương (thường trú tại 36/5A thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè, TP.HCM) gần hai tháng nay vẫn chưa thể làm thủ tục nhận con để bé được cấp khai sinh mang họ cha.

Buộc nộp tất cả tài liệu là không cần thiết

Tôi cho rằng từ cách hiểu không đúng về quy định của Luật Hộ tịch và Thông tư 15/2015 của Bộ Tư pháp mà UBND thị trấn Nhà Bè đã đưa ra yêu cầu không phù hợp, vô tình gây khó khăn cho anh Phương trong việc làm khai sinh cho con.

Theo khoản 1 Điều 11 của thông tư trên, chứng cứ để chứng minh quan hệ cha con là văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền.  Thông thường, đó là kết quả xét nghiệm ADN. Kế tiếp, theo khoản 2 Điều 11, nếu không có kết quả này thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.

Tuy khoản 2 liệt kê về các chứng cứ không có từ “hoặc” để minh định là chỉ cần vài chứng cứ trong số đó là được nhưng các cơ quan thực thi vẫn cần xác định là không cần có hết thảy bởi lẽ không cần thiết.

Theo đó, anh Phương chỉ cần nộp vài tài liệu có được cùng bản cam đoan là đủ. Nếu thấy việc nhận cha con của anh là đúng và không có tranh chấp, UBND thị trấn có thể giải quyết yêu cầu đăng ký khai sinh kết hợp việc nhận cha con.

Trường hợp cần xác minh thêm, địa phương phải chủ động thực hiện để giải quyết cho dân. Đòi hỏi phải có thêm thư từ (như thư tình của cha mẹ bé) mới cho cha nhận con trong khi người cha đã nộp được nhiều chứng cứ, mẹ bé, người thân hai bên đều tự nguyện thống nhất đó là cha của bé là một yêu cầu máy móc, khó được chấp nhận.

“Tôi không muốn xét nghiệm ADN”

Bé gái con anh Nguyễn Hoàng Phương có đôi mắt tròn xoe, gương mặt bầu bĩnh mang nhiều đường nét của anh Phương hơn là của mẹ. Anh kể tuy công việc của anh rất bận rộn, phải thường xuyên đi làm xa nhưng lúc vợ sinh anh đã xin nghỉ cả tháng để chăm sóc vợ con. Vừa nói chuyện với chúng tôi, anh vừa choàng tay lên vai vợ, âu yếm nựng con gái.

Có thư tình mới cho nhận con: Đòi hỏi máy móc! ảnh 1
Con gái anh Phương có gương mặt giống cha như tạc. Ảnh: N.HIỀN

“Con bé là con gái của chúng tôi, không sai vào đâu được. Một trong những lý do tôi không xét nghiệm ADN là vì tôi sợ vợ con buồn. Lỡ như sau này lớn lên con tôi nghe chuyện lúc làm khai sinh mình cha nó phải xét nghiệm ADN thì nó có thể suy nghĩ theo một chiều hướng khác. Tôi không muốn điều đó” - anh Phương tâm sự.

Anh cho chúng tôi xem một đoạn clip ghi lại hình ảnh vợ anh, con gái và bà Nguyễn Thị Đức (bà nội của bé) trong BV Từ Dũ. Đoạn clip khá dài, có rất đông người, có tiếng anh Phương vui vẻ trò chuyện cùng mọi người, kể đủ chuyện về cô công chúa mới chào đời.

Bà nội bé chia sẻ: “Thằng Phương và vợ nó quen nhau mấy năm rồi. Thấy tụi nó thương nhau quá nên gia đình hai bên đã tổ chức một buổi ra mắt để kết thông gia. Lúc vợ thằng Phương sinh tôi vào bệnh viện chăm con dâu và cháu nội. Cháu gái tôi mới sinh ra đã giống cha như tạc. Tuy tôi không ở cùng các con nhưng cuối tuần đều đến chơi, thấy gia đình nó sống hạnh phúc tôi yên tâm lắm. Về phần cháu bé, tôi mong chính quyền địa phương tạo điều kiện cho cháu có giấy khai sinh sớm, có tên cha, tên mẹ đầy đủ. Cả gia đình tôi đều mong mỏi điều ấy”.

NGUYỄN HIỀN

Linh động đối chiếu số chứng minh nhân dân

Nghị định 123/2015 có quy định người yêu cầu đăng ký hộ tịch phải nộp bản chính CMND. Tuy nhiên, anh Phương đã bị mất CMND và việc anh chưa được cấp thẻ căn cước công dân để thay thế không phải lỗi của anh mà là của cơ quan công an.

Chính vì thế, địa phương vẫn có thể căn cứ vào biên nhận chờ được cấp thẻ căn cước, số CMND của anh Phương ghi trong sổ hộ khẩu hay các loại giấy tờ khác được cấp hợp pháp để linh động giải quyết. Sau này khi anh Phương được cấp thẻ căn cước thì có thể bổ sung thông tin này vào hồ sơ. Có như thế đứa trẻ mới kịp thời được cấp khai sinh để được hưởng những quyền lợi chính đáng.

Tóm lại, UBND thị trấn Nhà Bè cần nhanh chóng giải quyết yêu cầu đăng ký khai sinh kết hợp việc nhận cha con của anh Phương. Về phía UBND huyện Nhà Bè (hoặc nếu cần là Sở Tư pháp TP.HCM) cần quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ để UBND thị trấn Nhà Bè hoàn tất việc này trong thời gian sớm nhất.

Phải hiểu luật có lợi cho dân

Từng có một trường hợp gặp vướng trong cách hiểu “tất cả hay chỉ là một trong số đó” vừa được Bộ Tư pháp hướng dẫn theo hướng có lợi cho người dân.

Khoản 2 Điều 47 Luật Công chứng quy định: “Trường hợp người yêu cầu công chứng không đọc được, không nghe được, không ký, điểm chỉ được hoặc trong những trường hợp khác do pháp luật quy định thì việc công chứng phải có người làm chứng”. Vậy phải hiểu người đó đồng thời không đọc, nghe, ký, điểm chỉ được hay chỉ cần có một “không” là phải có người làm chứng?

Về vấn đề này, Bộ Tư pháp đã hướng dẫn và đề nghị các sở Tư pháp tỉnh, thành phố chỉ đạo các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện như sau: “Khoản 2 Điều 47 luật trên được hiểu là chỉ cần một trong các điều kiện hoặc không đọc được hoặc không nghe được hoặc không ký và không điểm chỉ được hoặc trong những trường hợp khác do pháp luật quy định thì việc công chứng phải có người làm chứng”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm