Công an ở đâu mà để nhà báo xông pha một mình?

“Cảm giác đầu tiên của tôi khi đọc bài điều tra “Trường gà vùng giáp ranh Đồng Nai - Lâm Đồng” (Pháp Luật TP.HCM ngày 17-6) là rất phục sự dấn thân của PV. Các bạn đã không ngại nguy hiểm, thâm nhập vào trường gà để lột tả được mọi mặt của tệ nạn này. Việc giả dạng, đóng vai người bán vé số của các bạn là rất sáng tạo. Quá trình điều tra công phu và đầy bất trắc, nếu bị phát hiện thì các bạn… chết chắc” - bạn đọc levinh@... nhận xét.

Nhiều bạn đọc khác cũng có ý kiến tương tự và đề nghị báo tiếp tục điều tra, phanh phui các tệ nạn. Tuy nhiên, cũng rất nhiều bạn đọc tỏ ra bức xúc vì các trường gà tồn tại từ lâu, hoạt động ì xèo sao lại để đến lúc PV xâm nhập thì mới khui ra được, trách nhiệm của cơ quan chức năng địa phương ở đâu.

“Tôi đã theo dõi nhiều bài điều tra trên báo Pháp Luật TP.HCM và cảm thấy buồn vì lẽ ra chuyện phá ổ tệ nạn, tiêu cực là trách nhiệm của công an địa phương chứ không phải là trách nhiệm của nhà báo. Các anh đã ở đâu?” - bạn đọc Thái Hà (hahai@...) nêu vấn đề.

Công an ở đâu mà để nhà báo xông pha một mình? ảnh 1

Một góc của trường gà C1 ở vùng giáp ranh Lâm Đồng - Đồng Nai. Ảnh: DĐ

“Phải chăng là các anh công an bị mua chuộc, rồi bảo kê?” - bạn đọc Trần Hiếu (quận 5, TP.HCM) đặt câu hỏi. “Có lẽ là công an nghiệp vụ yếu nên bị các chủ trường gà qua mặt. Hiện nay các trường gà hoạt động rất tinh vi, khó có thể theo sát được chúng. Nếu có động, chúng sẵn sàng chuyển địa bàn. Công an có tới thì mọi chuyện đã xong xuôi, họ giải tán hết, biết đâu mà bắt” - bạn đọc dinhhoang (dinhhoang132@...) nêu thêm một giả thiết.

“Tôi nghĩ ở đây không phải là năng lực kém. Trường gà hoạt động rầm rộ, hàng chục, hàng trăm người tham gia, tai mắt của nhân dân có đầy nên chắc chắn thông tin về trường gà công an nắm hết. Điểm lại những vụ điều tra của PV như trường gà ở Tiền Giang, nạn mãi lộ trên các tuyến đường, gần đây là loạt điều tra “Cây xăng quyền lực” đều hé lộ một việc là ai cũng biết, chỉ có công an là “không biết có tiêu cực tồn tại”. Có nhiều lãnh đạo thì bảo có nghe tình hình nhưng gần như làm ngơ, không “mạnh dạn” tấn công tiêu cực. Người dân có quyền nhận xét ở đây có chuyện tiêu cực, bảo kê” - bạn đọc Trần Văn Tài (Châu Thành, Tiền Giang) viết.

Bạn đọc leyenphanha@... phát biểu: “Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra đối với các anh công an nhưng tôi nhận thấy các vụ tiêu cực mà nhà báo điều tra đều rất nghiêm trọng. Công an, chính quyền địa phương không phanh phui được là có lỗi, không thể bào chữa…” - bạn đọc huynhut@... tỏ ra bức xúc.

Cuối cùng, bạn đọc cho rằng cơ quan chức năng, công an địa phương cần phải chứng tỏ năng lực hơn nữa, đừng để PV - người không được đào tạo bài bản về nghiệp vụ điều tra, xử lý tiêu cực… phải làm thay việc mà lý ra là của cơ quan chức năng. “Dẫu rằng nhà báo có chức năng phản ánh tiêu cực nhưng để họ dấn thân như vậy là quá nguy hiểm. Để họ tự vào “hang cọp” mà không có ai bảo vệ là không công bằng trong khi chính quyền địa phương, lực lượng công an có trong tay mọi công cụ để điều tra, xử lý tiêu cực. Chính quyền địa phương, đặc biệt là lực lượng công an hãy chứng tỏ được khả năng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” - bạn đọc uyennhitran@... nhắn nhủ.

Phải tạo niềm tin cho người dân

Không phải mọi chuyện tiêu cực cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan công an đều biết. Trong cuộc đấu tranh này cần có sự phối hợp, giúp sức của nhiều người, nhiều thành phần xã hội. Với chức năng của mình, công an sẽ tự điều tra ra tiêu cực hoặc xử lý các tin báo tội phạm của người dân để phát hiện ra các sai phạm. Vấn đề là họ phải tạo cho người dân sự tin tưởng để mạnh dạn tố giác. Trong vụ phá trường gà này, người dân báo tin để PV vào cuộc. Gần như họ không đặt niềm tin vào cơ quan công quyền. Đây là vấn đề mà cơ quan chức năng phải suy nghĩ và chỉnh đốn lại hoạt động của mình.

Luật sư LÊ NGỌC CẢNH, Đoàn Luật sư TP.HCM

TÒA SOẠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm