Công khai trên mạng các đề tài khoa học

Năm 2005-2007, tôi được phân công thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ với kinh phí 30 triệu đồng. Sau một năm hì hục tìm tư liệu, đi đây đi đó gặp gỡ, thảo luận, dịch, đọc, thuê người dịch..., tốn hết gần 2/3 số tiền mà sách cứ ở “nơi bến lạ bờ xa” (Louis Aragon), tôi mới vỡ lẽ để làm được công trình đó cho ra môn ra khoai ít nhất phải có 150 triệu đồng (!).

Rốt cuộc tôi dừng. Bạn bè thân thiết cự: “Sao mày không cắt, dán? Chỉ cần một tuần là có ngay sản phẩm chứ việc gì phải lao tâm khổ tứ cho nhọc thân…”. Lời khuyên ấy tôi nghe nhiều rồi, biết cũng nhiều rồi nhưng làm không được. Tôi chỉ nghĩ một điều đơn giản: Mình thường xuyên đứng lớp giáo dục các sinh viên về sự trung thực mà lại đi cắt, dán thì xấu hổ lắm. Làm thế, lương tâm mình sẽ nhục mạ mình suốt đời. Nhưng nếu làm cho chất lượng thì lấy đâu ra tiền để bù vào? Suy đi tính lại, tôi quyết định trả lại đề tài sau hàng chục lần bị hành lên, họp xuống…

Công khai trên mạng các đề tài khoa học ảnh 1

Các đề tài nghiên cứu khoa học cần được công bố trên mạng trước khi được nghiệm thu. Ảnh minh họa: HTD

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì tổng kinh phí cho các đề tài nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn chỉ chiếm 3%-5%. Tại sao lại nghĩ rằng các môn khoa học xã hội chỉ đọc sách, không cần nhiều kinh phí? Xin thưa rằng, hai hay 10 năm hoặc hàng chục năm để có một công trình khoa học xứng đáng là chuyện bình thường. Nền giáo dục và khoa học của nước nhà không thể phát triển theo kiểu ăn xổi ở thì. Đáng tiếc là hiện nay sự giả dối, chụp giật ở đâu cũng có. Đừng trách giảng viên trường A, trường B... đạo khoa học, kiến thức. Trong 10 công trình khoa học xã hội nhân văn (viết về những đề tài chung chung) mà tôi biết có rất nhiều cái dởm đến 80%. Hầu như tất cả các đề tài cấp cơ sở, cấp bộ, cấp nhà nước đều na ná như thế.

Cá nhân tôi xin đề xuất một số giải pháp khắc phục sau đây:

- Phải chấm dứt việc phân chia đề tài cấp này cấp khác theo kiểu đến hẹn lại lên.

- Bất cứ đề tài nghiên cứu khoa học nào cũng phải được thẩm định rõ ràng bằng cách thẩm tra chéo và khi nghiệm thu phải có phản biện “kín” giống như bảo vệ luận án tiến sĩ. Làm vậy sẽ hạn chế sự qua loa, đại khái, dối lừa và các kiểu “đạo” thiên hình vạn trạng.

- Mọi đề tài khoa học hay giáo trình trước khi được nghiệm thu, được in đều phải được công khai trên mạng. Ví dụ gần đây nhất là một cuốn sách của một phó giáo sư bị các nghiên cứu sinh ở nước ngoài phát hiện ra là “đạo” nguyên xi từ một cuốn khác của một học giả nước ngoài. Nếu công bố trên mạng thì chắc chắn sự dối lừa sẽ giảm bớt.

- Đã là nghiên cứu thật sự thì phải rất tâm huyết và tốn kém. Nếu kinh phí vừa phải (như viết một trang giáo trình mà chỉ được trả 5.000-10.000 đồng) thì không “đạo” mới là chuyện lạ. Khi được trả xứng đáng, người ta sẽ bỏ công sức, tâm huyết viết cho thật hay.

Nỗi đau vì sự đạo văn, đạo khoa học có nhiều lắm. Muốn chấm dứt thì phải chế tài thật mạnh. Chẳng hạn, đã là tiến sĩ, giáo sư mà “đạo” dù chỉ một lần vẫn phải bị tước học hàm, học vị. Hoặc với bất kỳ đề tài nghiên cứu khoa học nào, nếu phát hiện có dối trá thì tác giả phải trả lại toàn bộ kinh phí.

HÀ VĂN THỊNH (Đại học Khoa học Huế)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm