Đặt tên dài vô tận cũng phải chấp nhận?

Sáng 9-6, Quốc hội (QH) đã nghe Chính phủ báo cáo về kết quả lấy ý kiến nhân dân và tiếp thu, chỉnh lý dự thảo BLDS (sửa đổi), trong đó đáng chú ý và gây nhiều ý kiến tranh luận trái chiều là quy định vế quyền đối với họ tên
Dự thảo quy định: “Tên của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên của một người không được vượt quá hai mươi lăm (25) chữ cái”.
Theo đó, đã có nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh đề xuất này. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường giải thích: “Việc đặt họ tên tuy là quyền nhân thân của cá nhân nhưng Nhà nước cũng cần phải đề ra những quy định cần thiết để định hướng cho cá nhân thực hiện quyền này. Thực tiễn thi hành pháp luật cho thấy có nhiều trường hợp đặt họ tên không phù hợp với tập quán, thuần phong mỹ tục mà cơ quan hộ tịch vẫn phải đăng ký vì không có cơ sở pháp lý để từ chối... Tuy nhiên, đây là nội dung mới, hạn chế quyền nhân thân của cá nhân mà không dựa trên các lý do đã được quy định tại Hiến pháp nên Chính phủ trình QH xem xét, quyết định”.
Nhiều ý kiến đồng tình với dự thảo và cho rằng việc nhiều người đặt tên con quá dài, có khi lên đến 30-40 chữ cái như thời gian qua đã khiến việc làm hồ sơ hay giao dịch gặp khó khăn, phức tạp. Đặt tên quá dài khiến các giấy tờ như khai sinh, chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, thẻ BHXH… thậm chí phải viết tắt mới đủ chỗ. Điều này không chỉ gây rắc rối cho công dân mà còn khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, phức tạp.

Đặt tên dài vô tận cũng phải chấp nhận? ảnh 1
Bạn “Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân” (trái, 22 tuổi) tên dài đến 35 chữ cái

Đặt tên dài vô tận cũng phải chấp nhận? ảnh 2
Vì vậy giấy phép lái xe của Nhân các chữ đệm đều phải viết tắt.

Tuy nhiên, cũng có nhiều không kém các ý kiến không ủng hộ đề xuất này của Chính phủ và cho rằng quy định này là vi hiến vì đã trực tiếp can thiệp đến quyền nhân thân của cá nhân. Vì rằng, tên họ của một người là có liên quan đến cả cuộc đời họ, bản thân họ cũng là người sử dụng và chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi tên, họ của mình. Việc đặt tên thế nào là do tự cá nhân mỗi người, tùy theo sở thích mà đặt sao thì đặt, không ảnh hưởng đến người khác nên không vì lý do gì mà hạn chế quyền này. Không thể viện cớ "công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, phức tạp" mà khống chế số chữ cái cho một cái tên và can thiệp vào chuyện riêng của công dân. “Cái tên một người gây khó khăn lớn lao như thế nào cho công tác quản lý?” một bạn đọc gửi ý kiến thắc mắc.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng cho rằng: “Việc sử dụng “họ và tên” từ trước đến nay đã trở thành thông dụng. Vậy thì việc thay đổi, bổ sung như trên có cần thiết hay không? Có dẫn tới việc thay đổi các giấy tờ, văn bản hành chính hay không? Bởi lẽ phần kê khai sẽ phải thay đổi từ “họ và tên” thành “họ, tên và chữ đệm” cho đúng quy định của bộ luật”.

Đặt tên dài vô tận cũng phải chấp nhận? ảnh 3
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, quy định hạn chế về cách đặt tên, độ dài của tên là không cần thiết.Ảnh: TTXVN

Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề XH cũng cho rằng ”Quy định họ tên không quá 25 chữ cái là vượt qua Hiến pháp. Tên dài có ảnh hưởng gì tới đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng đâu! Nên khuyến khích người dân đặt tên ngắn vì đặt tên phức tạp ảnh hưởng trực tiếp tới con cái của họ, chứ không nên áp đặt”.
Bạn có ý kiến gì về việc này? Có nên quy định hạn chế độ dài của họ tên đối với mỗi công dân không hay nên tôn trọng nhu cầu, sở thích của công dân mà cho phép tên dài bao nhiêu cũng được? PLO mong đón nhận mọi ý kiến đóng góp của bạn đọc nhằm có thêm ý kiến đa chiều giúp việc xây dựng pháp luật ngày một sát với thực tế hơn. Mọi ý kiến đóng góp xin gửi vào mục Ý kiến bạn đọc bên dưới bài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm