“Đầu con tui, đuôi con người ta”

Gửi thư đến Pháp Luật TP.HCM, ông T. (quận Phú Nhuận, TP.HCM) đã rất bức xúc về việc trước đây mình có hai con nhưng sáu năm sau mới biết chỉ còn một con.

Ông T. kể: Ông và bà H. kết hôn năm 2001 và trong thời gian chung sống thì bà H. sinh hai con trai. Đứa lớn sinh năm 2002, đứa nhỏ sinh năm 2006. Cuối năm 2006, khi đứa thứ hai chưa được một tuổi thì vợ ông nằng nặc ly hôn với lý do “không hợp nhau nữa”. Đồng thời, vợ ông ẵm con về bên ngoại ở. Khuyên giải mãi không được nên ông chấp nhận ly hôn. Bấy giờ, hai bên thỏa thuận: Bà H. nuôi đứa nhỏ, ông nuôi đứa lớn và cả hai bên không ai yêu cầu cấp dưỡng nuôi con.

Sau khi chia tay vợ, ông ít khi gặp đứa nhỏ vì không biết mẹ con bé sống ở đâu. Ông tự nhận thấy mình chưa chu toàn trách nhiệm của người cha đối với đứa con này và không mảy may nghi ngờ điều gì.

Bất ngờ, vào tháng 7-2012, có người tự xưng là cán bộ TAND quận Thủ Đức đi với công an phường (nơi cơ quan ông trú đóng) đến gặp ông đề nghị ông ký biên bản xác nhận đứa con nhỏ không phải là con ông. Thấy vô lý, ông không ký vào biên bản. “Khi sinh bé, chúng tôi vẫn còn là vợ chồng chứ đã ly hôn đâu. Giấy khai sinh của bé ghi rõ tôi là cha, sao giờ bắt tôi nói chuyện ngược ngạo vậy?” - ông T. ấm ức nói.

“Đầu con tui, đuôi con người ta” ảnh 1

Qua tìm hiểu, ông T. mới biết có người đàn ông tự nhận là cha đẻ của đứa nhỏ và đã kiện ra TAND quận Thủ Đức để “truy nhận con”. Ông đã nóng lòng gặp người này để làm rõ trắng đen nhưng chưa thể gặp. Cho đến ngày 26-9, ông nhận được quyết định của TAND quận Thủ Đức công nhận sự thỏa thuận của mẹ bé và người cha mới gửi đến cơ quan ông qua đường bưu điện. Tuy nhiên, quyết định này không có chữ ký của thẩm phán, không có dấu mộc của tòa và đáng nói là quyết định đã được ban hành gần hai tháng trước đó. Cầm quyết định mà lòng ông cứ hụt hẫng vì tòa đã dựa trên kết quả giám định DNA để xác định đứa bé là con của người đàn ông đi kiện. Điều này có nghĩa là trong thời gian chung sống với ông, bà H. đã có quan hệ với nguyên đơn và sinh ra đứa nhỏ. Xét thêm về mặt tố tụng, dù ghi nhận ông là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng khi tòa hòa giải thành thì ông không có mặt.

Hiện ông T. đang khiếu nại TAND quận Thủ Đức làm sai thủ tục tố tụng. Chưa rõ tòa này xử lý sao, chỉ biết là vào đầu tháng 8-2012, căn cứ vào quyết định nêu trên của tòa, bà H. và người cha đẻ của bé đã đến UBND phường nơi bé đăng ký khai sinh để thay đổi họ tên cha cho bé.

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO (Đoàn Luật sư TP.HCM):

Quyết định hòa giải thành sai thì phải giám đốc thẩm

Theo khoản 2 Điều 186, khoản 2 Điều 187 Bộ luật Tố tụng dân sự, tòa án chỉ được lập biên bản hòa giải thành và sau đó thẩm phán chỉ được quyền ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án. Đối chiếu quy định này với trường hợp cụ thể của ông T. thì cần lưu ý: Nếu ông T. do đang đứng tên làm cha đứa bé nên được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án “xác định cha cho con” không có ý kiến về việc giải quyết vụ án thì thẩm phán không được quyền ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Thay vào đó, tòa án phải làm các thủ tục cần thiết để đưa vụ án ra xét xử (nếu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ).

Cũng theo khoản 2 Điều 188 bộ luật trên, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó trái pháp luật. Nếu thực sự ông T. không đến tham dự buổi hòa giải thì xem như quyết định công nhận đã nêu của tòa án quận là trái pháp luật và TAND TP.HCM cần kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Bấy giờ, quyết định cải chính hộ tịch cho trẻ cũng cần được điều chỉnh để đảm bảo tính pháp lý cần thiết.

KIM PHỤNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm