Đậu ĐH vẫn phải nhập ngũ

Hôm nay (7-3), Thông tư liên tịch số 13 ngày 22-1-2013 của Bộ Quốc phòng, Bộ GD&ĐT (sửa đổi, bổ sung một số điều trong Thông tư liên tịch 175/2011 hướng dẫn việc tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ thời bình đối với công dân nam) có hiệu lực thi hành.

Hai điểm mới đáng lưu ý

Theo Luật Nghĩa vụ quân sự, độ tuổi gọi nhập ngũ là từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi. Có một số đối tượng được tạm hoãn gọi nhập ngũ, trong đó có học sinh, sinh viên, học viên đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ… của các trường THPT, TCCN, ĐH, CĐ…

Đối với những học sinh, sinh viên này, Thông tư 13 đưa ra hai lưu ý quan trọng sau đây:

1. Đó phải là những người đã làm xong thủ tục nhập học và đang học tập tại trường. Trường hợp công dân nhận được Lệnh gọi nhập ngũ và Giấy báo nhập học vào các trường trong cùng một thời điểm thì phải chấp hành Lệnh gọi nhập ngũ và không thuộc đối tượng được xét tạm hoãn gọi nhập ngũ.

Đậu ĐH vẫn phải nhập ngũ ảnh 1

Thanh niên quận 5, TP.HCM lên đường nhập ngũ trong buổi giao quân đầu năm 2013. Ảnh: HTD

2. Việc tạm hoãn gọi nhập ngũ chỉ áp dụng trong một khóa đào tạo tập trung đầu tiên. Trường hợp tiếp tục học tập ở các khóa khác thì không được tạm hoãn gọi nhập ngũ. Thời gian một khóa đào tạo tập trung được tính từ ngày nhà trường quy định có mặt nhập học (ghi trong giấy báo nhập học) đến khi tốt nghiệp khóa học. Như vậy, nếu năm đầu được tạm hoãn do đang học CĐ, ĐH A nhưng năm sau người đó bỏ học CĐ, ĐH A mà chuyển sang học CĐ, ĐH B thì không còn được tiếp tục hoãn nữa mà phải nhập ngũ.

Từ các quy định này, Thông tư 13 yêu cầu: Sinh viên đến trường làm thủ tục nhập học phải mang theo Giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự do Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện cấp, Giấy xác nhận đăng ký vắng mặt do Ban Chỉ huy quân sự cấp xã nơi cư trú cấp. Người đã nhập ngũ vào quân đội nếu có Giấy báo nhập học vào các trường trước hoặc sau thời điểm nhập ngũ thì báo cáo đơn vị quản lý biết để thông báo cho nhà trường bảo lưu kết quả trúng tuyển của thí sinh đến khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ.

Căn cứ vào thời điểm làm xong thủ tục nhập học

Hằng năm việc gọi công dân nhập ngũ được các địa phương tiến hành từ một đến hai lần, vào tháng 2, tháng 3 và tháng 8, tháng 9. Tại TP.HCM có 12 quận, huyện tuyển quân đợt một (gồm các quận, huyện: 3, 5, 9, 12, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ). 12 quận, huyện còn lại (1, 2, 4, 6, 7, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Bình Tân, Nhà Bè) tuyển quân vào đợt hai.

Trong đợt hai, từ tháng 1 đến tháng 4, các quận sẽ gọi các thanh niên đủ 17 tuổi trong năm đăng ký nghĩa vụ quân sự. Bấy giờ những thanh niên nào thuộc diện được miễn, hoãn nhập ngũ phải nộp những giấy tờ liên quan để được xem xét. Đến tháng 5, phường lấy ý kiến ở tổ, khu phố để xét duyệt, phân loại những thanh niên theo các diện: miễn; hoãn nhập ngũ; chưa gọi nhập ngũ; đủ điều kiện nhập ngũ; chưa đủ điều kiện nhập ngũ đối với những thanh niên có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng không thuộc diện miễn, hoãn. Sau đó, phường sẽ gửi danh sách lên quận xét duyệt lần hai. Những thanh niên nào có trong danh sách đủ điều kiện nhập ngũ sẽ được địa phương thông báo công khai.

Khoảng tháng 6, quận sẽ cho các thanh niên đủ điều kiện nhập ngũ đi khám sức khỏe. Khoảng tháng 7, quận sẽ báo kết quả cho những thanh niên đủ sức khỏe nhập ngũ. Từ ngày 22 đến 25-8, quận tổ chức phát lệnh gọi nhập ngũ. Đến ngày 10-9, quận sẽ tiến hành giao quân đợt 2.

Để thực hiện quy định mới của Thông tư 13, một số quận cho biết họ sẽ căn cứ vào thời gian sinh viên làm thủ tục nhập học để xét hoãn gọi nhập ngũ. Nếu sinh viên làm xong thủ tục nhập học trước khi có lệnh gọi nhập ngũ thì được hoãn. Nếu sinh viên làm xong thủ tục nhập học sau hoặc cùng thời gian có lệnh gọi nhập ngũ thì vẫn phải nhập ngũ.

Quy trình tuyển quân ở đợt một cũng tương tự đợt hai. Theo đó công tác tuyển quân được bắt đầu vào đầu tháng 8 năm trước và giao quân vào tháng 2 năm sau.

Ở cả hai đợt này, những trường hợp được tạm hoãn gọi nhập ngũ năm trước đều được kiểm tra lại. Nếu không còn lý do tạm hoãn thì địa phương sẽ gọi nhập ngũ. Ngoài trường hợp vừa được bổ sung như đã nêu ở trên (bỏ trường này để chuyển sang học trường khác), các trường hợp hết được tạm hoãn gồm có: chỉ ghi danh, đóng học phí nhưng thực tế không học; tự bỏ học hoặc ngừng học một thời gian liên tục từ sáu tháng trở lên mà không có lý do chính đáng; học xong một khóa học...

Giảm bớt số đối tượng trốn nghĩa vụ quân sự

So với Thông tư 175/2011, thông tư sửa đổi lần này làm rõ khái niệm khi công dân mới nhận được giấy báo, chưa làm xong thủ tục nhập học thì chưa phải đang học, phải chấp hành lệnh gọi nhập ngũ và không được xét tạm hoãn gọi nhập ngũ.

Thực tế trong những năm qua, do các trường CĐ nghề, trung cấp nghề, TCCN không phải thi tuyển, chỉ thực hiện xét tuyển, số công dân theo học ngày càng nhiều khiến số tạm hoãn gọi nhập ngũ trong tổng số công dân đến tuổi nhập ngũ chiếm tỉ lệ lớn. Điều này gây khó khăn cho địa phương khi thực hiện và cũng khiến chất lượng tuyển quân bị giảm nhiều. Chưa kể có những thanh niên lợi dụng việc các trường chỉ xét tuyển nên cứ đăng ký để có giấy báo nhập học, sử dụng để được tạm hoãn gọi nhập ngũ, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự dù thực tế không theo học.

Đại tá LÊ QUANG CHÍNH, Phó Cục trưởng Cục Quân lực - Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam

(Theo Tuổi Trẻ ngày 1-3-2013)

NGUYỄN HIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm