Dây trói cua và mối lo về đạo đức kinh doanh

Theo tin trên thì Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu đã ký văn bản đề nghị các cơ quan chức năng trung ương sớm ban hành quy định xử phạt hành chính đối với người dùng dây to trói cua biển nhằm nâng trọng lượng cua. Đề xuất này dựa trên khảo sát của cơ quan Quản lý thị trường Bạc Liêu ghi nhận người kinh doanh cua biển thường dùng dây rất to để trói cua nhằm nâng trọng lượng cua lên từ 20% đến 25% so với trọng lượng thật. Việc làm này làm xấu đi nét văn hóa trong thương mại của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Về mặt pháp luật, đây là một hành vi gian lận thương mại nhưng hiện chưa có văn bản quy định mức chế tài và các hình thức xử lý.

Thoạt nghe thì có thể nghĩ đây là chuyện nhỏ “có mấy con cua mà tỉnh cũng đòi làm lớn chuyện”. Nhưng ngẫm kỹ sẽ thấy “đau” cho cách làm ăn bậy bạ, lừa đảo xảy ra trong thời gian rất dài mà ai cũng thấy, cũng biết nhưng dễ dàng dung túng, cho qua! Sâu xa hơn, bên trong những sợi dây trói cua đang chứa đựng những khiếm khuyết lớn về đạo đức kinh doanh.

Dây trói cua và mối lo về đạo đức kinh doanh ảnh 1

Hầu hết những người bán dọc đường đều có khách hàng một đi không trở lại nên không cần giữ uy tín trong kinh doanh. Ảnh: HTD

Hơn 30 năm trước, tới mùa gió chướng, sông rạch quê tôi cua biển khá nhiều. Mỗi lần bắt được cua, ba tôi thường trói chúng bằng những cọng dây lạt dừa nước nhỏ. Nhìn lũ cua (có con nặng hơn nửa ký) nằm xếp càng trong chiếc giỏ tre ai cũng vui. Lúc ấy ở chợ quê tôi người ta cột cua thành từng chùm (cũng bằng loại dây ấy) bỏ vào thúng hoặc thau nhôm ngồi bán…

Nay sống ở thành thị, thấy người ta bán cua mà tôi chạnh lòng. Cua bị trói bởi những sợi dây vải hoặc dây nylon ẩm ướt to bằng ngón tay. Không phải vì chúng nặng cỡ… bốn, năm chục ký nên phải trói như thế mà vì những người buôn gian bán lận muốn biến cua nặng chừng 300g thành… nửa ký! Thành ra người mua vô tình phải trả thêm tiền cho những sợi dây trói cua “bự chảng”. Chưa hết, có người còn ma mãnh trét đầy bùn đất lên mình cua để người mua lầm tưởng cua dính đất là cua chắc (nhiều thịt).

Có một thực tế là những hình ảnh xấu xí như thế rất ít có ở các chợ quê. Có lẽ do quan hệ tình làng nghĩa xóm nên người dân nơi đây không dám giở trò dối trá tệ hại với người mua. Nhưng ở các đô thị (nơi dọc đường gió bụi) thì lại khác. Người mua từ tứ phương đến và có thể sẽ không bao giờ quay lại nên người bán chẳng việc gì phải sợ. Thế là chuyện lừa lọc cứ diễn ra công khai, từ năm này đến năm nọ riết rồi đâm quen!

Ở chỗ tôi đang ở có một người thỉnh thoảng bán những tai nấm rơm ú nu ú núc. Nghe giới thiệu “em mang đồ ở quê lên bán”, tôi đã ghé vào mua trong sự tin tưởng. Chừng mang về nhà và bốc vào tai nấm thì nước chảy ra. Thì ra anh chàng ấy đã nhúng cho nấm ngấm nước để kiếm thêm tiền lời bất chính. Mất mát chẳng là bao nhưng cảm giác bị lừa làm cho tôi hơi bực mình. Nếu đúng là người chân quê thì sao người ấy không cố gắng giữ cái gọi là “nét văn hóa trong thương mại” vốn có của miền quê và cùng với nhiều người buôn bán chân chính khác thuyết phục những người làm sai phải nhanh chóng thay đổi để được cộng đồng chấp nhận? Nói vậy để thấy cần phải chia sẻ với những bức xúc của Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu và cũng để tin rằng cái gì không đẹp, không thật sẽ phải sớm được đào thải.

ĐÀO THẠNH (TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm