'Đi bão' cổ vũ bóng đá, coi chừng phạm luật

Tối nay (15-12), trận chung kết lượt về giữa đội tuyển Việt Nam và Malaysia sẽ diễn ra trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Bên cạnh kết quả của trận đấu, một vấn đề được rất nhiều người quan tâm đó là hàng ngàn cổ động viên sẽ đổ xuống đường để “đi bão”.
Việc “đi bão” tiềm ẩn những nguy hiểm về an toàn giao thông, an ninh trật tự.
Lợi dụng “đi bão” để thể hiện bản thân
Luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng không có khái niệm về việc “đi bão” mà đây là cách gọi nôm na về việc một số lượng lớn người xuống đường thể hiện niềm vui sau một sự kiện nào đó, chủ yếu là các trận bóng đá.
Tuy nhiên, không ít người e ngại về việc “đi bão”. Điển hình là một số người, nhất là các thanh niên không kiểm soát được hành vi của mình, lợi dụng “đi bão” để thể hiện bản thân, có những hành vi quá khích.

Các cổ động viên Việt Nam trên đường phố ở TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

“Có thể họ không hề xuống đường vì niềm vui bóng đá mà chỉ đơn giản là lợi dụng để đua xe trái phép, nẹt pô, chở ba, lạng lách đánh võng hoặc không đội mũ bảo hiểm… Sau mỗi lần “đi bão”, những con số về số vụ tai nạn giao thông và người chết khiến không ít người phải giật mình” - luật sư Ứng nói.

Theo ông, những hành vi này không chỉ gây nguy hiểm tới tính mạng người khác cũng như chính bản thân họ mà còn làm xấu hình ảnh của những người thực sự xuống đường để chia sẻ niềm vui chiến thắng.
Xét dưới góc độ pháp lý, tất cả những hành vi trên đều vi phạm quy định về an toàn giao thông và cần phải xử lý nghiêm. Thế nhưng phải nhìn nhận thẳng thắn rằng CSGT không thể xử lý tất cả.
“Với hàng nghìn người đổ xuống đường một lúc, CSGT không thể đủ người, đủ phương tiện để xử lý toàn bộ. Họ còn phải tập trung lực lượng để phân luồng giao thông, tránh ùn tắc cũng như đảm bảo trật tự…” - luật sư Ứng nhận định.
Dù vậy, ông vẫn đề nghị lực lượng công an cần kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình vi phạm, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, thậm chí là thách thức lực lượng chức năng như đua xe trái phép, rú ga, nẹt pô, lạng lách…
Công an luôn sẵn sàng cho mọi tình huống
Nhằm đảm bảo công tác giữ gìn an ninh trật tự cho trận đấu trên, Công an TP Hà Nội đã triển khai nhiều kế hoạch, phương án, trong đó có việc phòng, chống cháy nổ và đua xe trái phép.
Theo đó, Ban giám đốc Công an TP yêu cầu các đơn vị quận, huyện khác quanh khu vực cũng tăng cường quân số ứng trực để luôn sẵn sàng cho mọi tình huống xảy ra. Đặc biệt, công an các quận, huyện phải làm tốt công tác quản lý, nắm tình hình các điểm có cổ động viên Malaysia cũng như khách quốc tế đến tham gia lưu trú, cổ vũ…
Ngoài ra, các đơn vị quận, huyện xung quanh khu vực sân vận động kiểm soát các bãi trông giữ xe; tăng cường lực lượng then chốt phối hợp với Phòng CSGT đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các đoàn khách, phân luồng tránh ùn tắc giao thông.
Cũng theo đề nghị của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Công an TP Hà Nội sẽ trực tiếp tham gia việc kiểm soát vé vào sân Mỹ Đình để đảm bảo không xảy ra tình trạng người không có vé vào sân như trận đấu trước tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn.
Thượng tá Nguyễn Tuấn Tùng, Phó Trung đoàn Cảnh sát cơ động Hà Nội, cho biết đơn vị này sẽ điều động khoảng 500 cán bộ, chiến sĩ phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự tại sân vận động Mỹ Đình, chống cổ động viên đua xe và cổ vũ đua xe trái phép sau trận đấu.
Riêng tại sân Mỹ Đình, lực lượng cảnh sát sẽ sử dụng máy soi chiếu, các thiết bị nghiệp vụ để kiểm tra tư trang, các vật dụng cổ động viên mang theo vào sân. Các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, hung khí nguy hiểm hoặc các vật liệu có thể gây cháy nổ như pháo sáng sẽ bị cảnh sát thu giữ. Trường hợp cổ động viên đốt pháo sáng trong sân, cảnh sát sẽ đưa ra khỏi sân, bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.
“Bốn chỉ huy trung đoàn sẽ trực tiếp làm nhiệm vụ tại bốn khán đài của sân Mỹ Đình để đảm bảo an ninh” - Thượng tá Tùng thông tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm