Đo chữ “tín” càng cụ thể càng tốt

Việc Quốc hội (QH) công bố công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo thể hiện nhiều tín hiệu đáng mừng. Một mặt “đã hoàn thành trọng trách mà nhân dân giao phó” (lời của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng), mặt khác khẳng định việc dân chủ hóa đời sống chính trị trong hoạt động của QH không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, cái được lớn nhất là thể hiện “bản lĩnh chính trị”, “quyết tâm chính trị” khi QH muốn hoàn thiện mình trong hoạt động giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước, của từng chức danh Nhà nước chủ chốt do QH bầu ra và phê chuẩn.

Nhiều cử tri vui mừng vì lần này chữ “tín” được lượng hóa bằng các thang đo “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”. Việc này ít nhiều phản ánh một cách khách quan mức độ tín nhiệm cho từng chức danh.

Đo chữ “tín” càng cụ thể càng tốt ảnh 1

Cũng có những ý kiến khác nhau thậm chí trái ngược nhau về phương thức đánh giá, phương thức tổ chức, các thang đo. Nhưng công bằng mà nói cách thức tổ chức đánh giá và quyết định công khai hóa kết quả của QH lần này thể hiện sự làm việc khoa học, nghiêm túc, dân chủ, trí tuệ. Nó chuyển từ sự đánh giá một cách khái quát, chung chung sang cách làm cụ thể; từ định tính sang định lượng; từ “vô hình” sang “hữu hình”; từ cảm tính sang lý tính. Nói khác đi, chữ “tín” đã được đặt lên bàn cân và thể hiện bằng những con số có sức thuyết phục. Chính nó ít nhiều phản ánh được bức tranh chung về tình hình kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, tư pháp của đất nước. Cũng từ đó chúng ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm cho những năm sau (lời của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng).

Nhiều cử tri còn kỳ vọng chữ “tín” không những được “cân, đo, đong, đếm” theo những thang đo mang tính chung chung mà còn phải được cụ thể hơn nữa. Lúc đó việc đánh giá càng xác thực hơn, khách quan hơn, khoa học hơn và tất nhiên là thực chất hơn. Đối với những chức danh chủ chốt mà QH bầu và phê chuẩn, chữ tín còn thể hiện trên nhiều bình diện khác nhau có thể “đo” được như mức độ tuân thủ các nguyên tắc Đảng; tác phong lối sống; mức độ cũng như tính hiệu quả của các chủ trương, quyết sách do chính mình đề ra và hiệu quả của nó; kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý

Có như thế, chắc chắn rằng quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước, của QH sẽ được nâng cao cả về chất lẫn lượng; cử tri cả nước sẽ “thấy rõ” được vai trò, địa vị của mình trong vai trò là người làm chủ của đất nước. Đồng thời, chính mỗi thành viên, cá nhân được đánh giá cũng có cơ hội để nhìn lại mình, đánh giá nghiêm túc các mặt, các khía cạnh, các công việc mà họ đã (hoặc chưa) hoàn thiện. Sau đó, họ dần từng bước hoàn thiện, thực hiện tốt vai trò nhiệm vụ được nhân dân giao phó.

Thiết nghĩ đó cũng chính là mục đích cuối cùng và duy nhất trong hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm và cũng không ngoài sự kỳ vọng của tất cả cư tri trong cả nước.

TS PHẠM ĐI, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh

Đo chữ “tín” càng cụ thể càng tốt ảnh 2
Đo chữ “tín” càng cụ thể càng tốt ảnh 3
Đo chữ “tín” càng cụ thể càng tốt ảnh 4
Đo chữ “tín” càng cụ thể càng tốt ảnh 5

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm