Đoạn kết có hậu

1. Với ánh mắt chứa đầy niềm vui, mẹ Vinh, một người mẹ ở Làng SOS Gò Vấp, kể rằng thằng bé Tâm đã trưởng thành lắm rồi, đã ra dáng anh cả trong nhà để giúp mẹ dạy mấy em.

Tâm năm nay đang học lớp 12 Trường Hermann Gmeiner. Nhớ lại chặng đường 12 năm, mẹ Vinh còn rùng mình. Ngày ấy, như thường lệ, mỗi sáng Tâm cùng mẹ chia nhau hai ngả để đi bán vé số. Trưa, khi đến điểm hẹn của hai mẹ con mỗi ngày, Tâm không thấy mẹ đâu, hốt hoảng khóc như mưa trên đường về nhà trọ. Ngày hôm sau, một người bán vé số báo cho PV Thanh Mận rằng vừa đọc thấy tin nhắn tìm người thân trên báo nói về một người phụ nữ bán vé số băng qua đường Ba tháng hai rồi không tỉnh lại vì bị một thanh niên đi xe máy tông. Nghi người phụ nữ xấu số là mẹ của Tâm, PV đã đến Công an quận 10 để xác tín rồi đưa Tâm lên nhìn mẹ lần cuối. Tâm không có quá khứ, không nhớ lấy một người thân, không quê quán, bầu trời của em chỉ có mẹ. PV đã kết nối cho em vào Làng SOS Gò Vấp trong vòng tay bảo bọc của mẹ Vinh, bố Trừng (giám đốc làng thời ấy)… Vào đó, em bắt đầu đi học lớp 1, vào đội tuyển bóng đá của làng.

 
PV Thùy Dung trong lần tiếp xúc để viết bài về nỗi khổ không có giấy tờ tùy thân của người dân hẻm 95 Phó Đức Chính, quận 1, TP.HCM. Ảnh: HUỲNH TRÍ DŨNG

2. Tết rồi, gia đình bà Ngô Thị Huệ gần chân cầu Nhị Thiên Đường (quận 8) có được nhà để ở, thoát cảnh bi cực. Nhà bà ở ngay quận 8 nhưng vì gia cảnh quá nghèo, bà có một người con trai là liệt sĩ, năm người còn lại trong nhà đều bệnh khó chữa, nằm triền miên ở các bệnh viện trong TP. Bà bán nhà, thuê căn trọ bằng gỗ ọp ẹp và nhận cơm chay từ thiện sống qua ngày. Túng quẫn trong đau ốm và nhận mãi những chén cơm từ thiện của người dưng, tất cả người trong gia đình bà cùng tự nguyện đăng ký hiến xác như một cách trả ơn đời. Khi nhận được tin báo từ bạn đọc Trần Anh Tuấn, báo Pháp Luật TP.HCM viết bài ký sự về gia cảnh nhà bà Huệ, chính quyền địa phương đã xuống nhà khảo sát và tìm đất, cất nhà cho gia đình bà vào ở từ đó đến nay, tìm công việc phù hợp cho gia đình. Trong ngôi nhà mới, bà Huệ nói trong xúc động: “Tuy gia đình dì gặp nhiều bất hạnh nhưng bù lại ông trời đã cho dì tiếp xúc với PV. Giờ gia đình dì đã có chỗ ăn, chỗ ngủ đàng hoàng, những ngày giỗ, tết có nơi cúng bái, thờ tổ tiên…”. 

3. Cận tết năm 2008, cái ngày mà PV Thùy Dung mang tin vui về cho con hẻm 100 Nguyễn Công Trứ và hẻm 95 Phó Đức Chính (quận 1), bà con vỡ òa trong niềm vui. Vài người cầm trên tay cái hộ khẩu đầu tiên, nhiều người bỏ cả công ăn việc làm để “chạy qua dòm một cái cho biết”.

Gần 30 năm sinh sống ở đây kể từ ngày đi kinh tế mới về, hàng trăm “công dân vô danh” ở hai con hẻm trên mới có đầy đủ giấy tờ tùy thân, tất cả đều đã có hộ khẩu. Từ đó, mấy chị em nhà chị Bùi Thị Huy Tuyết mới làm được CMND, xin được việc làm đàng hoàng. Anh xe ôm Bùi Văn Hải mới làm được hộ khẩu, làm chứng minh và thi bằng lái, không còn sợ cảnh công an thổi phạt giữa chừng khi chở khách ngoài đường… Điều đó có được sau khi báo Pháp Luật TP.HCM vào cuộc từ phản ánh của bạn đọc, nêu lên nỗi khổ của bà con vì không có giấy tờ tùy thân. Từ đó, các cơ quan chức năng mới xúc tiến làm hộ khẩu, CMND cho họ…

Nhiều bạn đọc đã cùng các PV của báo tiếp sức cho những mảnh đời đang gặp khúc quanh. Khó mà kể hết những tấm chân tình ấy. Chúng tôi chỉ xin nêu lại vài trường hợp như là một sự tri ân những tin tưởng, góp sức của bạn đọc suốt thời gian qua.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm