Đọc không ra chữ của CSGT để đóng phạt

Mới đây, báo Pháp Luật TP.HCM đã nhận được phản ánh của ông VĐT, 50 tuổi, ngụ Bình Phước về việc gặp khó khăn trong quá trình thực hiện nộp phạt tại bưu điện do không đọc được chữ trong biên bản vi phạm.

Hỗ trợ nhập thông tin lên hệ thống từ xa

Theo lời kể của ông T., vào tháng 12-2020, ông tham gia giao thông với phương tiện là ô tô bảy chỗ, vi phạm lỗi dừng, đỗ sai quy định trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP.HCM.

Lúc này, CSGT thuộc Đội CSGT Bến Thành, Phòng PC08 Công an TP.HCM đã lập biên bản xử phạt đối với vi phạm của ông T.

“Quá trình xử phạt diễn ra nhanh chóng lắm. Tôi còn nhớ lúc về CSGT còn không quên nói với tôi là có thể ra bưu điện gần nhất để thực hiện nộp phạt sau một tuần mà” - ông T. kể.

“CSGT hẹn bảy ngày nhưng đến 10 ngày tôi mới cầm biên bản xử phạt vi phạm hành chính ra bưu điện gần nhà. Tuy nhiên, điều tôi không ngờ là cả tôi và các nhân viên bưu điện không ai đọc ra chữ trong biên bản. Nhân viên thử tra cứu trên hệ thống nào đó bằng biển số xe của tôi nhưng cũng không có kết quả” - ông T. nói.

Sau đó, ông T. đành ra về và theo hướng dẫn của bạn bè, ông thử tìm các số điện thoại của công an, CSGT ở TP.HCM để nhờ hỗ trợ nhưng vẫn không có kết quả.

Ông T. bảo: “Tôi thật sự không biết đến đâu để đóng phạt, lấy lại bằng lái, chứ tết đến nơi rồi mà không có bằng lái xe thì làm sao chạy được. Mà lặn lội lên lại TP.HCM thì xa quá”.

Ông T. và nhân viên bưu điện không thể đọc được chữ 
trong biên bản này. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từ thông tin phản ánh của ông T. đến Pháp Luật TP.HCM, chúng tôi liên lạc Đội CSGT Bến Thành. Cán bộ Đội CSGT Bến Thành cho biết đã tiếp nhận thông tin phản ánh, tra cứu thông tin xử phạt thông qua số biên bản xử phạt vi phạm hành chính.

Sau khi tra cứu, cán bộ Đội CSGT Bến Thành đã làm việc với nhân viên bưu điện ngay tại đơn vị để chủ động nhập hồ sơ xử phạt của ông T. lên hệ thống.

Như vậy, ông T. có thể ra bưu điện gần nhà tại Bình Phước để thực hiện các bước tiếp theo của quy trình nộp phạt qua bưu điện. Bởi lúc này toàn bộ thông tin đã được đưa lên hệ thống, nhân viên bưu điện tại Bình Phước không cần phải căng mắt để đọc chữ trong biên bản.

Đội CSGT Bến Thành cho biết do biên bản xử phạt mà người vi phạm cầm là bản sao nên màu mực có thể nhạt đi, khiến nhân viên bưu điện khó nhận diện. Đồng thời cũng không loại trừ khả năng do người vi phạm bảo quản không cẩn thận, nếp gấp lâu ngày nên màu chữ cũng mất đi; hoặc cán bộ CSGT đè bút chưa đủ lực nên không rõ chữ.

Tuy nhiên, đối với các sự cố này, lực lượng CSGT cho biết sẽ tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ, hoàn tất các thủ tục nộp phạt cho người dân.

Thủ tục nộp phạt qua bưu điện nhanh gọn

Phòng CSGT (PC08) Công an TP.HCM cho biết từ năm 2016, PC08 đã phối hợp cùng Bưu điện TP.HCM triển khai dịch vụ “Thu nộp hộ tiền xử phạt và chuyển trả giấy tờ tạm giữ trong lĩnh vực giao thông đường bộ tới tay công dân theo yêu cầu”.

Hiện nay tại các đơn vị đội, trạm thuộc PC08 đều có nhân viên bưu điện ngồi để tư vấn, hướng dẫn thủ tục cần thiết.

Từ đây có hai dịch vụ, một là thu hộ tiền phạt kèm phát trả giấy tờ tạm giữ, hai là thu hộ tiền phạt nhưng không chuyển phát giấy tờ.

Như vậy, người vi phạm có nhu cầu sử dụng dịch vụ có thể đến bưu điện gần nhất để đăng ký hoặc liên lạc qua các hotline để được hướng dẫn. Căn cứ vào biên bản vi phạm, nhân viên bưu điện sẽ tra cứu thông tin về quyết định xử phạt trên chương trình thu hộ của bưu điện. Nhân viên bưu điện chỉ chấp nhận thu hộ tiền phạt của người vi phạm khi đảm bảo có đầy đủ thông tin về quyết định xử phạt trên chương trình thu hộ.

Bưu điện TP.HCM đặt quầy giao dịch tại đơn vị trực thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt để thu hộ tiền phạt cho người dân. Ảnh: LÊ THOA

Sau đó, bưu điện sẽ tiến hành thu đủ số tiền phạt trên quyết định xử phạt và tiền phí dịch vụ, đồng thời cấp giấy chứng nhận nộp tiền cho người vi phạm.

Kế đến, bưu điện sẽ liên hệ với đơn vị CSGT để thực hiện quyết định xử phạt và nhận giấy tờ tạm giữ thay cho người dân (nếu có yêu cầu). Giấy tờ của người vi phạm sẽ được chuyển về tại nhà theo dịch vụ chuyển phát nhanh.

Thời gian chuyển phát giấy tờ tạm giữ (không bao gồm ngày Chủ nhật, lễ, tết theo quy định) cụ thể như sau: Trên địa bàn trung tâm TP.HCM tối đa hai ngày kể từ ngày nhận giấy tờ tạm giữ từ cơ quan công an; các huyện tối đa ba ngày. Riêng các tỉnh, TP khác tối đa năm ngày...

Những trường hợp không được nộp phạt qua bưu điện

Một số trường hợp vi phạm sau đây không được thực hiện dịch vụ “Thu, nộp hộ tiền xử phạt và chuyển trả giấy tờ tạm giữ trong lĩnh vực giao thông đường bộ tới tay công dân theo yêu cầu”:

- Đang xác minh (có hay không có hành vi vi phạm; tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ);

- Có dấu hiệu hình sự;

- Có áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ hành nghề và tạm giữ tang vật, phương tiện. 


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm