Đòi hỏi bữa ăn phải luôn an toàn

Phải đột kích kiểm tra

Hằng ngày đọc báo, xem tivi tôi thấy “ớn lạnh” khi biết TP.HCM vừa bắt được hơn một tấn nội tạng heo đang bốc mùi, trứng gà, vịt không rõ nguồn gốc; Nghệ An bắt được hơn hai tấn lòng bò, heo bốc mùi hôi thối; Đồng Nai dùng hóa chất không rõ nguồn gốc tẩy trắng hàng tấn nội tạng trâu bò trong giai đoạn phân hủy… Ngay cả rượu, nước giải khát cũng “có chuyện” vì Hà Nội vừa phát hiện có hàng chục ngàn lít hết hạn nhưng chưa được tiêu hủy... Liên tưởng đến các thực phẩm thiết yếu như thịt, gà, cá, rau… mà tôi vẫn thường xuyên mua về chế biến, tôi đâm lo không biết chúng có được an toàn hay không nữa!

Tết đến, nhà nào cũng đều mua sắm nhiều hơn ngày thường để con cháu về sum họp, ăn uống, vui chơi. Vậy nên Nhà nước phải kiểm tra chặt chẽ để những hàng hóa kém chất lượng không có đất tuồn ra ngoài thị trường. Các cơ quan quản lý phải cố gắng tìm ra các điểm sản xuất, chế biến các loại thực phẩm không an toàn để trị từ gốc cho dân đỡ lo.

Đòi hỏi bữa ăn phải luôn an toàn ảnh 1

Thói quen xem kỹ nhãn hiệu, ngày hết hạn sử dụng… trước khi mua là chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Ảnh: HTD

Lưu ý, đoàn thanh tra đừng bao giờ báo trước về lịch trình kiểm tra. Phải đột kích, bất ngờ để có những kết quả thật, qua đó tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong chế biến, sản xuất thực phẩm an toàn. Muốn không bị xử lý vi phạm thì tốt nhất họ phải luôn tạo ra những sản phẩm an toàn.

Như trường hợp của đứa cháu tôi làm chủ cơ sở sản xuất bún ở Thủ Đức. Cơ sở của cháu vừa bị kiểm tra và cháu được nhắc nhở phải sửa lại bể nước, mấy cái bàn, chỗ để bún tươi… trong vòng một tuần nếu không sẽ bị phạt. Cháu than thở “lại phải tốn tiền” nhưng đang gấp rút làm theo yêu cầu vì sợ bị phạt.

LÊ THỊ KIỀU (Quận 7, TP.HCM)

Nhìn kỹ để có bữa cơm an toàn

Tuần trước, con gái tôi đi chợ mua đồ về nấu bún bò. Nó mua hai gói gia vị mà bao bì ghi toàn tiếng nước ngoài nhưng không có ngày sản xuất, hạn sử dụng… được cô bán hàng đon đả mời chào. Con gái tôi tỉnh queo: “Thấy họ nói nấu cái này ngon thì con mua”. Cô em dâu cũng nói vô: “Cái này em nấu hoài, ăn có sao đâu”. Tôi lắc đầu kiên quyết không nấu bằng gia vị này mà đi mua loại khác an toàn hơn. Sau bữa ăn đó, cánh phụ nữ bàn rôm rả về thực phẩm mà họ cho rằng do “hên xui” chứ làm sao lường hết được. Ông xã tôi cười, khẳng định: “Sao lại không? Mấy bà cứ ngó cho kỹ nhãn hiệu, ngày tháng năm sản xuất để coi nó còn hạn sử dụng không, coi kỹ bao bì còn nguyên hay bị rách…

Theo tôi, mọi người phải chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và các thành viên trong gia đình, không thể phó mặc mọi thứ cho những người buôn bán. Cả nam lẫn nữ đều có thể coi thêm sách, báo để trang bị kiến thức cho mình, để trở thành những người tiêu dùng khôn ngoan, tỉnh táo lựa chọn thực phẩm an toàn.

TRẦN THỊ BÍCH LAM (Quận Bình Thạnh, TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm