Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động sao cho đúng?

Cho tôi hỏi, công ty có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với chúng tôi không, thủ tục thế nào. Trường hợp nào thì không được đơn phương chấm dứt hợp đồng?

Nguyễn Thị Hà (Bến Cát, Bình Dương)

Luật sư ĐINH VĂN LƯƠNG, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Điều 38 Bộ luật Lao động (vềquyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động) quy định:

1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây: a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị sáu tháng liên tục đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục. Khi sức khỏe của người lao động bình phục thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động; c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc; d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của bộ luật này.

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước: a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn; b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn; c) Ít nhất ba ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 điều này và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động: 1. Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo quyết định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 của bộ luật này. 2. Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và những trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý. 3. Lao động nữ quy định tại khoản 3 Điều 155 của bộ luật này. 4. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Như vậy, bạn có thể căn cứ vào các quy định trên để xem công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có đúng luật hay không nhằm có biện pháp thích hợp, thậm chí khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình.

 NGUYỄN ĐỊNH ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm