TÔI ĐỒNG TÍNH, THÌ SAO? - BÀI 3:

Đồng tính cần được xã hội thừa nhận

Khoa học chưa xác định được nguyên nhân quyết định xu hướng tình dục, cho cả dị tính luyến ái (hai người khác giới yêu thương lâu dài và có ham muốn tình dục với nhau) và đồng tính luyến ái (hai người cùng giới yêu thương lâu dài và có ham muốn tình dục với nhau). Tuy nhiên, có rất nhiều nghiên cứu khẳng định sự ảnh hưởng của gen và di truyền lên xu hướng tình dục…

Có thể do di truyền

Các nhà khoa học thừa nhận việc hình thành xu hướng tình dục là một quá trình phức tạp, có sự tương tác giữa yếu tố sinh học và môi trường xã hội. Sự tương tác này diễn ra trong quá trình phát triển của từng cá nhân, đặc biệt là không ai chọn hoặc quyết định được xu hướng tình dục của mình.

Hầu hết những bậc phụ huynh đã “sốc” và không chấp nhận sự thật khi phát hiện con mình là người đồng tính. Có nhiều trường hợp bị cha mẹ ép buộc đi chữa bệnh tâm thần. Trong một nghiên cứu của iSEE thực hiện với 40 người đồng tính nữ, một bạn nữ 29 tuổi từng bị gia đình ép đi chữa bệnh tâm thần, kể: “Mỗi lần mình đòi về nhà hay đòi gặp người yêu là người ta lại tiêm thuốc để mình lăn ra ngủ, toàn liều nặng thôi”.

Từ năm 1990, Tổ chức Y tế Thế giới đã loại đồng tính ra khỏi danh sách bệnh. Đã không phải là bệnh thì không thể chữa và không phải chữa. Trên thế giới, việc thừa nhận xu hướng tình dục đồng tính và bảo vệ quyền của họ đã trở thành xu thế thời đại khi ngày càng nhiều nước hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Họ đã thừa nhận đồng tính là một phần của đa dạng xã hội. Sự thừa nhận này đã tạo điều kiện cho những người đồng tính như bà Johanna Sigurdardottir trở thành nữ thủ tướng Iceland hay ông Bertrand Delanoe làm thị trưởng TP Paris; ca sĩ Elton John, Ricky Martin hay Lady Gaga có nhiều đóng góp to lớn cho nền âm nhạc thế giới. Gần đây nhất, trước khi qua đời, chính Steve Jobs - người sáng lập Apple, đã tiến cử Tim Cook - một người đồng tính vào vị trí CEO của Apple, một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới. Rõ ràng, nếu không có sự thừa nhận và tôn trọng thì những con người tài ba như vậy sẽ không có cơ hội đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

Đồng tính cần được xã hội thừa nhận ảnh 1

Một buổi tọa đàm truyền thông dành cho người đồng tính và thân nhân của họ được tổ chức gần đây. Ảnh: T.MẬN

Ẩn mình trong rủi ro

Ở Việt Nam, luật pháp không coi đồng tính là tội phạm hoặc tệ nạn. Tuy nhiên, trong xã hội còn tồn tại nhiều sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người đồng tính mà nguyên nhân chủ yếu là do kiến thức sai lệch. Theo nghiên cứu của iSEE, nhiều người vẫn tin rằng đồng tính là một bệnh hoặc do đua đòi. Có đến 48% người dân được hỏi cho rằng đồng tính có thể chữa được. Trong một nghiên cứu về đồng tính nữ của iSEE, có người bị ép “chữa bệnh” đến độ mắc hội chứng chân tay run rẩy và rối loạn tinh thần.

Một nghiên cứu khác của iSEE về đồng tính nam cho thấy 20% người đồng tính được hỏi bị bạn bè bỏ rơi, 15% bị cha mẹ chửi mắng, đánh đập khi biết họ là người đồng tính, 95% từng nghe người khác nói đồng tính là không bình thường... Ở Việt Nam có rất nhiều người bàn luận hoặc kể chuyện tiếu lâm mang ý coi thường người đồng tính. Chính những câu chuyện “mua vui” này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như gây tổn thương và giảm lòng tự trọng của người đồng tính, dẫn đến những hậu quả về tâm lý, sức khỏe và làm tăng những hành vi nguy cơ cao như tự tử hoặc dùng chất gây nghiện. Vì lo sợ bị kỳ thị, có tới 86% người đồng tính nam phải che giấu xu hướng tình dục của mình để được chấp nhận, trên 7% đã lấy vợ để làm bình phong hoặc làm vừa lòng người thân...

Do đó, pháp luật cần bảo vệ và xã hội cần thừa nhận để người đồng tính không phải che giấu và gặp rủi ro trong cuộc sống. Sự thừa nhận cũng góp phần hạn chế việc kẻ xấu lợi dụng người đồng tính để đe dọa, chiếm đoạt tài sản thậm chí giết người cướp của vì biết người đồng tính thường lo sợ bị lộ, không dám nhờ sự can thiệp của công an.

Năm 1991, Tạp chí Khoa Học (Science) đã đăng kết quả nghiên cứu của LeVay khi ông phát hiện ra tế bào INAH3 trong vùng dưới đồi của não (vùng có liên quan đến hành vi tình dục) ở người đồng tính nam có kích thước nhỏ hơn 2-3 lần so với ở người dị tính luyến ái nam. LeVay chỉ ra rằng có mối quan hệ giữa cấu trúc não và xu hướng tình dục.

Năm 1991, nghiên cứu của Bailey và Pillard trong những cặp nam sinh đôi cùng trứng (có bộ gen hoàn toàn giống nhau) cho thấy nếu một người là đồng tính thì 52% người kia cũng đồng tính. Kết quả nghiên cứu này chỉ ra gen đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành xu hướng tình dục của một người. Tuy nhiên, gen không phải là yếu tố duy nhất vì nếu gen là yếu tố duy nhất thì xác suất người kia đồng tính phải là 100%.

Năm 1993, Hammer và cộng sự đã tìm ra một đoạn nằm trên nhiễm sắc thể giới tính X có liên quan đến xu hướng tình dục đồng giới. Hammer và cộng sự cho rằng xu hướng tình dục đồng giới của con trai thường di truyền theo đường mẹ vì con trai nhận được một nhiễm sắc thể giới tính X từ mẹ.

Luật cần công nhận hôn nhân đồng tính

Luật Hôn nhân và Gia đình hiện nay quy định: “Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn”. Khoản 5 Điều 10 của luật này còn quy định nghiêm cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính. Các nhà khoa học đã nghiên cứu đồng tính là do lẽ tự nhiên chứ không do ai mong muốn hay ép buộc. Do vậy, có thể xem đồng tính là giới tính thứ ba chứ không nên mặc nhiên công nhận chỉ có hai giới là nam và nữ.

Theo các kết quả nghiên cứu, nhóm người đồng tính chiếm khoảng 3%-5% dân số. Dù bộ phận người đồng tính không đông nhưng họ vẫn là con người, có cảm xúc. Do vậy, họ cần được thực hiện các quyền đầy đủ của con người như được tự do sinh sống, kết hôn, mưu cầu hạnh phúc... Thực tế đã có những người đồng tính làm đám cưới và chung sống. Họ đến với nhau vì tình yêu thật sự nhưng những quan hệ khác phát sinh như tài sản chung, thừa kế, nuôi con… sẽ phải giải quyết ra sao khi không được pháp luật điều chỉnh? Hoặc những người đã có vợ con nhưng vẫn chỉ thích người cùng giới. Họ muốn ly hôn với vợ để kết hôn với bạn tình thì luật cũng nên tôn trọng họ.

Ở đây, không có chuyện người đồng tính làm khó những nhà làm luật. Vấn đề là thực tế cuộc sống đang diễn ra như vậy thì các nhà làm luật cũng cần sửa đổi luật để điều chỉnh kịp thời. Nếu Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi theo hướng cho phép kết hôn giữa những người đồng tính, tôi tin rằng cộng đồng người đồng tính sẽ yên tâm sống đúng luật và sống có trách nhiệm.

Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM, Ủy viên Ban Chấp hành
Đoàn Luật sư Việt Nam

LÊ QUANG BÌNH, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường - iSEE

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm