Du lịch ‘phá hoại’ đảo hoang!

Mới đây, tôi được người bạn rủ đi đến một nơi mà bạn tôi bảo là “hoang đảo”. Đây là nơi gần đây báo chí nhắc đến khá nhiều. Bạn là dân địa phương nên am hiểu nơi này, “chỉ điểm” cho các nhà báo viết về vùng đất chưa bị công nghiệp du lịch xâm lấn, như một niềm tự hào.

Từ cảng, chúng tôi thuê chiếc tàu nhỏ chạy với tốc độ “xé gió” trên biển, sau 40 phút thì đến nơi. Hòn đảo xanh rì những hàng cây, nằm giữa mênh mông biển cả. Cảnh đẹp, sự tích về bà “chúa đảo” lại càng thú vị. Tôi đã đọc một số thông tin về bà nhưng được gặp trực tiếp thì vẫn bất ngờ. Đó là một cụ bà nhỏ bé lưng còng nhưng rất minh mẫn, khỏe mạnh, đã 88 tuổi. 60 năm nay, trên hòn đảo này chỉ có mỗi gia đình bà sinh sống qua nhiều thế hệ. Cảnh quan vẫn hoang sơ bên bờ biển tuyệt đẹp, nước trong ngăn ngắt soi rọi đám san hô.

“Chiến trường” khách du lịch để lại sau khi ăn nhậu tại đảo. Bẻ san hô vác ra tàu mang về nhà. Ảnh: TÚ NGUYỄN

Thời buổi Internet, Facebook tốc độ và phong trào “đi phượt” mạnh mẽ, thông tin về hòn đảo chẳng mấy chốc lan ra chóng mặt. Ngày tôi đến, trên khoảng sân trước nhà của gia đình “chúa đảo” có gần chục đoàn khách. Sẵn bàn ghế, võng giăng dưới những tán cây mát rượi, mọi người tay xách nách mang, lỉnh kỉnh thức ăn mang ra nấu nướng. Ai không mang thực phẩm thì đặt món ăn tại chỗ, hải sản ngon lành, giá lại rất rẻ do gia đình “chúa đảo” tự đánh bắt. Người nào muốn ngủ lại thì tự cắm lều hoặc đến ngôi nhà nhỏ trên núi của “chúa đảo” nghỉ lại. Chỉ trừ thức uống, đồ ăn thì trả tiền, còn lại đều miễn phí, kể cả nước ngọt để tắm (trong khi “chúa đảo” phải mua đến 20.000 đồng mỗi thùng). Chén bát sẵn đó, ai cần cứ mượn… Thậm chí mang thức ăn đến nhờ nấu, lúc về gửi lại ít tiền công, bà “chúa đảo” cứ cười hiền, phẩy tay không chịu lấy…

Chuyện sẽ rất đẹp nếu không có những dư vị đắng mà tôi sắp kể ra. Các đoàn khách sau khi rời đi thì còn lại gì trên đảo? Đó là những đống rác khá to mà họ thản nhiên để lại. Vỏ chai bia, trái cây thừa, khăn giấy, xương cá, vỏ ốc… khắp nơi la liệt. Chén bát, nồi niêu của nhà “chúa đảo” họ mượn dùng rồi vứt chỏng chơ. Mấy đứa cháu của bà “chúa đảo” đổ mồ hôi hột chạy tới chạy lui gom, rửa chén bát, hốt rác. Thấy tôi cùng thu dọn, họ tròn mắt: “Cả ngàn đoàn đến đây chưa được một nhóm tự dọn dẹp như vậy”.

Giữa trưa, một cái thùng loa to đùng để giữa nhà bà “chúa đảo” mở nhạc đinh tai điếc óc. Bà cho biết loa ấy là của khách mang đến. Rồi họ tổ chức nhảy nhót, hát hò, không cần biết bà cụ đã 88 tuổi cần được nghỉ ngơi, không quan tâm mình gây phiền hà cho cả gia đình người ta, không ngại đây không phải nhà mình, không cần hiểu đến đây là để tìm về sự yên ả của thiên nhiên. Nước ngọt ra đảo khan hiếm đắt đỏ nhưng khách vô tư rửa chân tay, xối tắm ầm ầm, lại còn giặt giũ. Kinh dị nữa là một nhóm nọ tắm biển xong bèn hái một cụm san hô to đùng mang về. Tôi đoán rằng khi gặp gỡ bạn bè họ sẽ truyền tai nhau: “Đến đó đi. Biển đẹp, hải sản rẻ, nhiều thứ miễn phí, lại thu lượm được nhiều thứ mang về nữa”. Bởi vậy dại gì không ùn ùn đi!

Gia đình chúa đảo vốn nhiều năm cô quạnh nên hiếu khách hồn hậu, họ không phiền lòng khi phải dọn rác, khi có nhiều khách ghé thăm. Từ khi khách đến, cuộc sống của họ cũng vui hơn, cũng có đồng ra đồng vô so với nghề đi câu, trồng dưa khó nhọc. Nhưng với sự thiếu ý thức của du khách, một thời gian ngắn nữa thôi, hòn đảo hoang sơ xinh đẹp yên bình này sẽ ra sao? Sau chuyến dắt tôi lên đảo, bạn tôi buồn rầu: “Tôi hối hận vì góp phần giới thiệu cho nhiều người đến đây”.

Tôi không muốn nêu tên hòn đảo ấy vì tôi sợ nó tiếp tục bị tàn phá! Bạn đã bao giờ gặp những kiểu “du lịch phá hoại” như tôi đã chứng kiến?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm