Đừng để cải cách hành chính mất lửa

Kết luận hội nghị trực tuyến về cải cách hành chính (CCHC) và cải cách chế độ công vụ, công chức sáng 26-7, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương cần quyết tâm chính trị cao, coi CCHC, cải cách chế độ công chức, công vụ là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của mỗi cấp, mỗi ngành (xem thêm bài “Cải cách hành chính: Băn khoăn chuyện rõ người, rõ việc”, Pháp Luật TP.HCM ngày 27-7).

Qua phát biểu này, tôi có một vài ý kiến. TP.HCM đi đầu trong cả nước về CCHC. Tuy nhiên, đến hôm nay nhìn lại, chúng ta thấy có nhiều tiến bộ nhưng nội tình nền hành chính TP vẫn còn ngổn ngang, bề bộn, thậm chí im ắng hơn so với những năm đầu. Tại các kỳ họp HĐND, qua các chương trình bàn về CCHC và đối thoại với cử tri, người dân và đại biểu chưa hài lòng về những vấn đề như phòng, chống tệ nạn mại dâm; xây dựng không phép; thái độ công chức còn gây phiền hà, nhũng nhiễu; quy hoạch chi tiết chưa được ban hành gây khó khăn cho người dân lẫn chính quyền; mẫu mã giấy tờ không thống nhất; an toàn vệ sinh thực phẩm… Tôi có cảm giác mấy năm gần đây CCHC đang bị mất lửa!

Đừng để cải cách hành chính mất lửa ảnh 1

Được góp ý trực tiếp thái độ phục vụ của công chức với quy trình hành chính bằng điện tử sẽ nâng được chỉ số hài lòng của người dân. Ảnh: HTD

Đúng là công cuộc CCHC không thể làm một ngày một bữa, không thể làm theo cung cách phong trào. Kinh nghiệm cho thấy ngay đến cả các nước có nền hành chính phát triển khá tiên tiến, các nước thuộc tổ chức hợp tác phát triển kinh tế (OECD) cũng phải mất nhiều thời gian để làm việc này. Đến nay họ vẫn tiếp thục thực hiện và tập trung vào kiểm soát chi tiêu của khu vực công, yêu cầu tạo ra một chính quyền nhỏ hơn, thu gọn hơn, chi tiêu ít hơn, hiệu quả hơn, rà soát hệ thống quản lý nhân sự và hệ thống hoạt động…

TP.HCM vẫn còn đó các vấn đề về tính công khai, minh bạch trong “dây chuyền” trách nhiệm giải quyết các hồ sơ của công dân. Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO-9000 tuy đã triển khai đều khắp các sở ngành, quận huyện nhưng chỉ mới tập trung vào một số lĩnh vực. Việc tổ chức “một cửa” chỉ có tính cục bộ từng đơn vị, từng cấp, chưa thật sự xây dựng “một cửa liên thông” để người dân khỏi đi lại nhiều cơ quan, lên xuống nhiều cấp phiền hà tốn kém thời gian.

Mặt khác, cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ đúng chuẩn còn thiếu trầm trọng, chưa triển khai được thi tuyển cạnh tranh các chức danh lãnh đạo. Bên cạnh đó, có đến 25% cán bộ, công chức bố trí công việc chưa hợp lý. Sự chuyển đổi thái độ cho cán bộ, công chức từ quan niệm “cai trị” sang thái độ phục vụ còn phải mất khá nhiều thời gian…

Thứ đến, bộ máy tổ chức thực thi công vụ chưa phù hợp với đặc điểm địa bàn đô thị còn cắt khúc chồng chéo quá nhiều mâu thuẫn giữa ngành và cấp làm triệt tiêu tiềm lực, lu mờ tinh thần trách nhiệm. Tình trạng tham nhũng, lãng phí còn khá trầm trọng…

Cuộc sống luôn phát sinh những nhu cầu mới, đòi hỏi của người dân ngày càng cao về thụ hưởng dịch vụ công. Vì thế không có con đường nào khác phải cải cách liên tục, kiên quyết, thêm nhiều sáng kiến như kiểu chấm điểm công chức, lấy vân tay thay chứng minh...

DIỆP VĂN SƠN, chuyên gia cải cách hành chính

Thường xuyên rèn đạo đức công vụ

Vừa qua, tôi đọc được thông tin ở Cà Mau, trong buổi đối thoại với các doanh nghiệp (do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này chủ trì) một đại biểu nói: Công tác CCHC có chuyển biến nhưng ý thức cán bộ chưa chuyển biến nhiều. Cán bộ, công chức nên ý thức rõ rằng mình là người phục vụ chứ không phải người cai trị (bài “Công chức nên bỏ thói cai trị”, Pháp Luật TP.HCM ngày 20-7).

Tôi rất tâm đắc với ý kiến này. Tôi là một trong những nạn nhân bị cán bộ “coi thường” quá cỡ. Hôm nọ, tôi bị kẻ xấu lấy mất xe máy nên đến công an phường trình báo. Cán bộ tiếp tôi dửng dưng, làm việc cho có lệ. Tôi có cảm giác cán bộ chẳng quan tâm gì đến tài sản của dân bởi “Chuyện này xảy ra hoài, quen quá rồi, lo lắng cũng chẳng được gì”. Tôi đi trình báo tội phạm mà cứ như đang đi xin xỏ để được các anh giúp đỡ...

Nói chuyện này để thấy việc CCHC không ở đâu xa mà đó chính là ở thái độ tiếp dân, đạo đức công vụ. Cán bộ đâu phải là vua chúa để bắt dân phải van nài, cậy nhờ. Cán bộ sinh ra là để phục vụ dân, là công bộc, đầy tớ dân như Bác đã nói. Thủ tục có cải cách cách mấy nhưng cái tâm, trách nhiệm, thái độ của người cán bộ, công chức không tới thì chắc rằng sẽ không đạt được kết quả mong muốn. Đạo đức công vụ bao gồm cả tác phong, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp và năng lực chuyên môn để đáp ứng công việc.

Mong rằng cán bộ hãy bỏ đi cái suy nghĩ “cai trị” như một đại biểu ở Cà Mau đã nói để toàn tâm, toàn ý với công việc mà người dân và Nhà nước giao phó.

Trần Tú Như (Công ty TNHH Tứ Nhật, TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm