Dưới 16 tuổi đánh bạn: Có thể bị tội

Gần đây trên các trang mạng xã hội liên tục xuất hiện những clip ghi lại cảnh nhóm học sinh đánh bạn. Mới nhất là vụ một nữ sinh trường nghề tại quận 7, TP.HCM bị nhóm của “nữ quái” có biệt danh Nhí Tinô đánh, bắt liếm chân. Công an đã yêu cầu nhóm của “nữ quái” này đến làm việc. Có người bảo “chuyện trẻ con, công an đâu xử lý gì được”, người đòi “bắt bỏ tù”… Thậm chí một số nhóm “giang hồ nhí” khác còn lên mạng tuyên bố sẽ đánh lại nhóm Nhí Tinô bởi “bất quá công an mời uống trà là cùng”. Vậy hành vi tổ chức và tham gia đánh người có bị xử phạt không, mức độ xử phạt ra sao?

Không phạt tù thì cũng phạt tiền

. Phóng viên: Thưa luật sư, nếu một học sinh 16 tuổi rủ nhóm bạn cùng nhau đánh, chửi và có những hành động như bắt liếm chân, lột đồ học sinh khác thì những người tham gia “đánh hội đồng” ấy có bị xử lý gì không?

+ Luật sư Phạm Minh Tâm, Đoàn Luật sư TP.HCM: Theo quy định thì người nào từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Điều 104 BLHS quy định người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ thương tật trên 11% hoặc dưới 11% nhưng sử dụng hung khí nguy hiểm như dao, gạch… thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

Nếu hậu quả xảy ra chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì những người hành hung sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013 quy định người nào đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau thì bị phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng.

Ngoài ra, những hành vi mà chúng ta hay thấy trong các clip trẻ em đánh bạn như lột đồ người khác hoặc bắt liếm tay, liếm chân để lăng mạ bạn tại nơi đông người hoặc đăng hình ảnh ấy lên mạng có thể bị xử lý thêm về tội làm nhục người khác. Khoản 1 Điều 121 BLHS quy định người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

. Liệu người lôi kéo, kích động người khác cùng tham gia đánh có bị xử phạt nặng hơn?

+ Hành vi lôi kéo hoặc kích động người khác đánh nhau nếu không đến mức bị xử lý hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng vì gây rối trật tự công cộng.

. Những học sinh chỉ đứng xem, không tham gia đánh thì xử lý thế nào?

+ Những học sinh tuy không tham gia đánh vẫn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với hành vi tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng và bị phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng theo điểm đ khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013.

Nhóm của Nhí Tinô không những đánh mà còn buộc một nữ sinh phải liếm chân. (Ảnh cắt  từ clip)

Dưới 16 tuổi vẫn không thoát

. Trường hợp học sinh đánh bạn gây thương tích đủ mức độ để xử lý hình sự nhưng lại dưới 16 tuổi thì có bị xử lý không, thưa luật sư?

+ Điều 12 BLHS quy định người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Cụ thể, gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỉ lệ thương tật từ 61% trở lên, gây chết người hoặc đánh người bằng hung khí nguy hiểm với thương tật từ 31% đến 60% thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

Người đủ 13 tuổi trở xuống phạm tội sẽ không bị xử lý hình sự hay xử phạt hành chính.

. Nếu học sinh đánh bạn đến mức nạn nhân phải nhập viện hoặc tử vong thì cha mẹ của học sinh đó phải chịu trách nhiệm gì với hành vi của con mình?

+ Theo Điều 606 BLDS, người chưa thành niên dưới 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha mẹ thì cha mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Nếu tài sản của cha mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu.

Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

. Xin cám ơn luật sư.

Cứ tưởng “chuyện con nít”

Hồi cấp II, cấp III tôi cũng hay đánh nhau nhưng vì ngại rắc rối, ngại bị mời phụ huynh nên toàn đánh ngoài trường. Có khi tôi đánh bạn, có khi bạn đánh tôi. Lần nọ tôi bị tét đầu, công an xã khi ấy gọi hai bên đến, bảo cha mẹ đứa bên kia đền ít tiền thuốc men rồi thôi. Quả thật tôi cứ nghĩ khi nào làm chết người hay gây thương tích nặng thì công an mới “sờ gáy”, còn không thì cùng lắm là bị kỷ luật đuổi học, chuyển trường thôi.

Bạn TRẦN KỲ PHƯƠNG, Trường CĐ Phát thanh Truyền hình II, TP.HCM

Lúc còn trẻ trâu bồng bột, hở ra là em đòi đánh nhau, lên cấp III em biết suy nghĩ hơn. Vừa qua gần trường em đang học có mấy cu cậu cầm hung khí tấn công nhau bị công an mời đến, nghe nói đứa vi phạm nặng nhất bị phạt 2 triệu đồng, mấy đứa kia có tham gia nhưng không cầm hung khí bị phạt 700.000 đồng, người nhà phải đến nộp tiền phạt và cam kết. Hồi nhỏ đang đánh nhau hăng quá không nghĩ gì tới hậu quả về sau nhưng giờ nghĩ lại, nếu lúc đó “địch thủ” của em bị gì, hay bản thân em bị gì thì hối hận cũng muộn màng.

Bạn NGUYỄN PHAN HỮU,
Trường CĐ Xây dựng số 2, TP.HCM

Đám trẻ con còn nhỏ chưa hiểu chuyện, đánh nhau một chút rồi huề chứ có phải chuyện gì to tát lắm đâu. Vài năm trước mấy đứa con tôi có đánh nhau, cô giáo báo về, nhắc nhở chú ý lúc họp phụ huynh. Hồi nhỏ tụi tôi cũng quậy như tụi nó bây giờ, bị bắt viết bản kiểm điểm hứa không tái phạm, có chữ ký của ba mẹ, cùng lắm thì cuối năm bị cô giáo chủ nhiệm hạ bậc hạnh kiểm, chứ con nít biết gì mà pháp luật xử lý. Lỡ con đánh nhau mà bị kỷ luật đuổi học thì tôi cho chạy xe ôm như cha nó bây giờ thôi!

Ông NGUYỄN VĂN BA, đường Nguyễn Xí, phường 26,
quận Bình Thạnh, TP.HCM

NGUYỄN TRÀ ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm