Dưới chỉ lên, trên lại chỉ xuống

Đó là tình cảnh của ông Trần Mộng Hoàng (quận 10, TP.HCM) khi ông muốn khởi kiện Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng thuộc Sở GTVT TP.HCM. Ông cho biết “các tòa cứ đùn qua đẩy lại làm tôi phải chạy lòng vòng gần một năm vẫn chưa được xét xử”.

Ký xác nhận không đúng thực tế

Ông Hoàng kể: Ông là nhân viên của trung tâm từ năm 2003. Ngày 28-6-2011, ông được trung tâm phân công trực giám sát ký xác nhận giờ xuất bến và về bến của xe buýt. Ông đã ký xác nhận cho chiếc xe buýt cuối cùng về bến là 20 giờ 20 phút trong khi thực tế xe này về bến sớm hơn 5 phút. Lúc đó, ông nghĩ do đường trống, buổi tối vắng khách nên xe về sớm và ông ký xác nhận theo lịch vận chuyển. Về việc này ông đã làm bản kiểm điểm và tự nhận kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Tháng 8-2011, hội đồng kỷ luật của trung tâm gồm có năm người họp quyết định kỷ luật ông bằng hình thức hạ bậc lương.

Bất ngờ vào tháng 9-2011, trung tâm lại ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Hoàng. Do ông khiếu nại quyết định này nên Công đoàn Sở GTVT đã đề xuất giám đốc trung tâm xem xét, tạo điều kiện cho ông trở lại làm việc và để ông được thực hiện hình thức kỷ luật là hạ bậc lương như kết luận của hội đồng kỷ luật. Thế nhưng giám đốc trung tâm vẫn bảo lưu quyết định buộc thôi việc.

Dưới chỉ lên, trên lại chỉ xuống ảnh 1

Kiện hành chính hay lao động?

Tháng 3-2012, ông Hoàng gửi đơn đến TAND quận 1 kiện trung tâm về tranh chấp lao động. Tòa này hướng dẫn ông rút đơn kiện vì theo tòa do là vụ kiện hành chính nên không thuộc thẩm quyền của tòa quận mà phải là của TAND TP.HCM.

Cuối tháng 8-2012, TAND TP.HCM nhận đơn kiện của ông Hoàng nhưng sau đó tòa này đã chuyển đơn kiện cho TAND quận 1 thụ lý. Lý do là bị đơn có trụ sở ở quận 1 và vụ án không có yếu tố nước ngoài nên không thuộc thẩm quyền của tòa TP. Tưởng vậy là vụ kiện sẽ được TAND quận 1 thụ lý nhưng tòa này vẫn từ chối và chuyển lại đơn kiện cho tòa TP thụ lý.

Trong công văn gửi TAND TP, TAND quận 1 cho rằng từ năm 2003 đến 2004 trung tâm và ông Hoàng đã ký với nhau sáu hợp đồng thời vụ. Thế nhưng kể từ năm 2005 cho đến khi nghỉ việc thì hai bên ký với nhau bốn hợp đồng làm việc có xác định thời hạn và hợp đồng này quy định quyền lợi và nghĩa vụ hưởng theo Pháp lệnh Cán bộ, công chức. Do quyết định kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc dựa vào quy định của pháp lệnh nên đây là vụ kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND TP.

Tuy nhiên, TAND TP lại không đồng ý với ý kiến của tòa quận 1. Tòa này khẳng định: Vào thời điểm ông Hoàng ký hợp đồng làm việc với trung tâm, ông được xem là công chức. Từ khi Luật Viên chức có hiệu lực, ông Hoàng không tham gia thi tuyển công chức theo quy định nên ông ấy chỉ là viên chức. Mà nếu đã là viên chức thì theo Điều 30 Luật Viên chức, tranh chấp liên quan đến việc ký kết, thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật về lao động. Như vậy, TAND quận 1 phải giải quyết vụ kiện tranh chấp lao động của ông Hoàng theo thẩm quyền.

Trao đổi với PV vào chiều 7-3, lãnh đạo TAND quận 1 cho biết “sẽ xem xét lại vụ việc”.

Tòa quận 1 phải thụ lý

Theo tôi, đây là vụ kiện tranh chấp về lao động chứ không phải là vụ kiện hành chính. Bởi lẽ ông Hoàng không phải là công chức mà là viên chức như TAND TP đã khẳng định. Như vậy, việc TAND quận 1 từ chối không thụ lý là không có cơ sở.

Luật LẠI THỊ LỆ THANH, Đoàn Luật sư TP.HCM

KIM PHỤNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm