Gánh nặng 100 triệu bản sao

Con số 100 triệu bản sao được chứng thực thực hiện trên toàn quốc hàng năm, thông tin từ Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, đã khiến không ít người giật mình. Đây không chỉ là một sự lãng phí, mà tính sơ qua cũng thấy là không hề nhỏ. Trong nhiều trường hợp, nó còn gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.  

Điều đáng nói, Chính phủ đã ban hành các quy định để hạn chế tình trạng “lạm phát” chứng thực này. Cụ thể, theo Nghị định số 79/2007/NĐ-CP về quyền của các cá nhân, tổ chức khi trực tiếp thực hiện TTHC thì các giấy tờ trong thành phần hồ sơ có thể là bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực hoặc nộp bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu.  

Thế nhưng quy định tùy nghi cho phép người dân và doanh nghiệp được lựa chọn này rõ ràng chưa được chấp hành nghiêm túc. Đây chính là lý do khiến ngày 20/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị yêu cầu chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính. Chỉ thị đã giao cho Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ chủ yếu và đều phải hoàn thành trước ngày 31/3/2015. 

Có không ít điều đáng suy ngẫm từ câu chuyện này. 

Trước hết, một lần nữa phải nhắc lại yêu cầu về tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức với công việc, với người dân. Chúng ta đã nói nhiều về nỗi vất vả, phiền hà và tốn kém mà người dân phải gánh chịu trong thực hiện các TTHC, trong quan hệ với các cơ quan công quyền. Thế nhưng nhiều khi những khổ ải ấy lại đến từ những chuyện tưởng chừng có vẻ “vụn vặt” nhất.  

Nhiều cán bộ, công chức vẫn yêu cầu người dân vừa nộp bản sao có chứng thực, vừa phải xuất trình bản chính để đối chiếu. Có thể họ cố tình yêu sách để “vòi vĩnh”, cũng có thể họ chỉ muốn bảo đảm an toàn cho họ (liên quan đến trách nhiệm) nên đẩy phần khó, phần phiền toái cho dân. Nhưng dù thế nào thì cũng là làm sai quy định và thiếu trách nhiệm với người dân. 

Trong bài viết ngày 16/7 trên Báo Tuổi Trẻ, một bạn đọc đã nhận xét rằng những hoạt động gần đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho thấy “thái độ không ngừng đòi hỏi cao với cộng sự, thuộc cấp về tầm nhìn phát triển sự nghiệp; về sự đồng cảm, lăn lưng vào nơi gian khó, ách tắc để tháo gỡ những nỗi khổ ải, oan khuất của người dân…”.  

Chúng ta đang hướng đến một thể chế chất lượng cao, một nền quản trị quốc gia hiện đại. Đó là cách nói bao quát. Nhưng đối với người dân và doanh nghiệp, thể chế là những vấn đề hết sức cụ thể mà họ va chạm hàng ngày. Tinh thần “đồng cảm, lăn lưng” của Thủ tướng cần được quán triệt tới tất cả cán bộ, công chức ở mọi cấp, mọi ngành, trong từng vấn đề cụ thể. Quy định đã rõ ràng nhưng nếu người thi hành công vụ thiếu tinh thần trách nhiệm, thì người dân vẫn chưa hết khổ. 

Câu chuyện bản sao cũng một lần nữa khẳng định rằng đột phá thể chế phải là một trong những khâu đột phá chiến lược, đúng như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra trong bài viết nêu nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ mới và sau đó, trong Thông điệp đầu năm mới 2014. 

Tại phiên họp chuyên đề của Chính phủ về công tác xây dựng pháp luật, diễn ra trong 2 ngày 16-17/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã một lần nữa nhấn mạnh, chức năng xây dựng thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách… là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Chính phủ. Ngay tại các phiên họp thường kỳ, Chính phủ cũng dành nhiều thời gian cho công tác này.  

Tại phiên họp tháng 6 vừa qua, Thủ tướng đã nói rõ hơn về trách nhiệm của cơ quan quản lý: Thay vì tháo gỡ từng vụ việc cụ thể, các Bộ ngành, địa phương cần tập trung rà soát, sửa đổi và kiến nghị sửa đổi, gỡ những “nút thắt” trong chính các quy định của pháp luật và trên cơ sở đó, giải quyết cho mọi trường hợp cùng chung vướng mắc trong thực tế.  

Một ví dụ điển hình được người đứng đầu Chính phủ nhắc đến trong phiên họp này, đó là việc giá thuốc trúng thầu tại các bệnh viện, Sở Y tế đã giảm đến 35,33% sau khi thực hiện những quy định mới của Bộ Y tế. Rõ ràng là chỉ một động thái chính sách không quá khó thực hiện từ cơ quan chức năng đã giúp người dân hưởng lợi lớn, tháo gỡ được rất nhiều bất cập trong một lĩnh vực vốn bị dân kêu ca, phàn nàn rất nhiều thời gian qua.  

Tương tự, 100 triệu bản sao được chứng thực hàng năm thực sự là một “gánh nặng” cho xã hội và Chỉ thị của Thủ tướng sẽ giúp người dân, doanh nghiệp nhẹ gánh đi rất nhiều nếu nó được thực hiện theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật.

Nếu chính sách tốt thì việc giải quyết các trường hợp cụ thể sẽ tự khắc trơn tru, thuận lợi. Đã đành, nếu cơ quan chức năng hăng hái gỡ vướng cho từng trường hợp thì cũng rất đáng hoan nghênh, nhưng nếu cứ chạy theo từng vụ việc thì có muốn cũng không sức nào làm xuể. Tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp để “một mũi tên” chính sách “trúng nhiều đích” trong thực tiễn, đó mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cơ quan hoạch định chính sách. 

Theo Kim Tuấn (Chinhphu.vn)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm