Nóng trong tuần

Giá cả tăng, cách nào để người lao động bớt đuối?

 Video: Giá cả tăng, cách nào để người lao động bớt đuối?

Tuần qua, xăng tăng giá kéo theo các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm… cũng tăng theo. Nhiều quán ăn đã đồng loạt dán giá mới.

Để chống chọi với “cơn bão giá”, đa số người lao động (NLĐ) phải tìm cách làm một lúc nhiều việc mới đủ tiền để chi tiêu hằng tháng.

Cái gì cũng tăng, chỉ có thu nhập là đứng im

Chị Nguyễn Lan Hoa (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) làm giáo viên cũng gần 10 năm, lương của chị chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng. Chị than rằng lương giáo viên còn thua lương công nhân.

“Hai năm dịch bệnh phải nghỉ dạy, tiền tích góp đã tiêu xài cạn kiệt, chúng tôi phải tìm mọi cách để kiếm tiền. Nhiều giáo viên phải bán hàng online, dạy kèm, chạy xe ôm công nghệ… mới đủ sống” - chị Hoa tâm sự.

Dù có con nhỏ, chị L, tiểu thương vẫn phải chuyển sang thuê phòng trọ ọp ẹp để giảm chi phí hằng tháng. Ảnh: NGỌC LÀI

Lương viên chức của chồng chị Hoa cũng không khá khẩm. Tiền lương ít ỏi của hai vợ chồng phải gồng gánh cả nhà, trong đó có hai con nhỏ.

Chị Hoa nói thêm: “Giá cả tăng mạnh, nhất là xăng khiến ai cũng phải vất vả mưu sinh. Mua bó rau lang tưởng chừng lạng thịt. Hồi trước rau lang có 10.000 đồng, nay lên đến 15.000 đồng”.

Chị Trần Thị Xoan (ngụ quận 8, TP.HCM) cũng sống dặt dẹo bằng đồng lương giáo viên. Chị Xoan than thở 10 năm làm giáo viên mà lương tháng chưa bao giờ đủ để mua được một chỉ vàng. Ngày mới đi làm, lương chưa tới 3 triệu đồng thì vàng đã hơn 3 triệu đồng/chỉ. Nay lương 6,3 triệu đồng thì giá một chỉ vàng đã lên tới trên 7 triệu đồng.

Theo chị Xoan, nhiều giáo viên phải ở nhà thuê, làm thêm nhiều nghề để sống qua ngày. “Nhiều người phải gửi con về quê cho ông bà nuôi, chứ không còn khả năng tài chính nuôi con ở thành thị” - chị Xoan thở dài.

Mức lương công nhân 6 triệu đồng/tháng cũng khiến chị Nguyễn Thị Ngọc Châu (ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) suy tính trong chi tiêu hằng ngày. Mỗi ngày, lần đi chợ lúc tan ca khiến chị Châu rất mệt mỏi.

“Làm sao để bữa ăn đủ chất mà rẻ tiền thì quả thật không dễ dàng chút nào. Vợ chồng phải ăn uống kham khổ xíu, để dành tiền lo sữa, tã cho con. Bởi chồng tôi cũng làm công nhân, lương cũng không nhiều hơn tôi bao nhiêu” - chị Châu nói.

Ông Lê Tuấn Giảng, một chủ nhà trọ tốt bụng ở phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM, giảm tiền trọ cho người lao động trong thời buổi giá cả leo thang.  Ảnh: NGỌC LÀI

Áp lực tâm lý đè nặng người lao động

Nhận định về tình hình giá cả leo thang ảnh hưởng đến đời sống NLĐ, PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life), cho biết: “Tình trạng giá cả tăng nhanh khiến cuộc sống NLĐ chật vật cũng là tình hình chung. Khi giá xăng tăng, mọi thứ cũng đều rục rịch tăng theo, chi phí tiêu dùng của NLĐ tăng cao. Đặc biệt, trong đó NLĐ tự thân, công nhân có khoản thu nhập ít, tiền tiết kiệm không nhiều thì khó khăn càng chồng chất hơn”.

Ông Lộc phân tích: Theo số liệu thống kê của Social Life, những gia đình nghèo thì đa phần bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19 như mất người thân, nhiễm bệnh, mất thu nhập 100%... Khi mở cửa trở lại, dù họ cố gắng thích ứng nhanh nhưng giá cả tăng cao dẫn đến áp lực lên chi phí tiêu dùng.

Bàn về giải pháp hỗ trợ NLĐ trong tình hình giá cả leo thang, PGS-TS Nguyễn Đức Lộc cho biết hiện nay, các tổ chức xã hội, ngay cả viện Social Life cũng đang xây dựng kế hoạch tiết kiệm vi mô. Hình thức tiết kiệm vi mô sẽ cấp vốn hỗ trợ để NLĐ gặp khó khăn khởi sự kinh doanh, làm thêm, kiếm thêm thu nhập ở các lĩnh vực mà họ có thể làm được. Bên cạnh đó, các tổ chức sẽ cho vay với lãi suất 0%, trong đó người được vay phải có một kế hoạch để hoàn lại vốn.

“Mô hình tiết kiệm vi mô khá thành công ở các nước châu Phi, nước nghèo khó khăn. Mô hình này tương trợ theo nhóm, có kế hoạch tiết kiệm trong vòng một năm trả lãi nguồn vốn. Hiện tại, các tổ chức xã hội cũng triển khai nhiều phương thức hỗ trợ, hướng dẫn cách họ giữ được đồng tiền để ít nhất đủ phòng vệ” - ông Lộc thông tin.

Cũng theo ông Lộc, giải pháp kể trên mang tính chất lâu dài, còn trước mắt hy vọng Nhà nước có thể nhanh chóng giảm thuế, phí xăng dầu. Từ đó, giá thành xăng dầu được kéo giảm, áp lực tăng giá cũng sẽ giảm bớt phần nào.

52,1% người lao động phải tiết kiệm chi tiêu

Theo khảo sát của Social Life được thực hiện từ tháng 10 đến tháng 12-2021, trong tình huống khó khăn chung, NLĐ đã đưa ra giải pháp tự thân để vượt qua cơn bĩ cực. Họ tiết kiệm chi tiêu (52,1%), sử dụng khoản tiết kiệm (24,6%), vay mượn nợ để trang trải (34,6%), nhận trợ cấp từ chính quyền (22,9%) và nhận sự giúp đỡ từ gia đình, người thân (25%)... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm