Giả mạo trang Facebook của nghệ sĩ, bị xử lý ra sao?

Thời gian qua (đặc biệt là thời điểm dịch bệnh tại nhiều tỉnh thành đang căng thẳng) trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo đã có không ít nghệ sĩ phải lên tiếng vì bị nhiều đối tượng giả mạo mình để lợi dụng tên tuổi làm những chuyện vi phạm pháp luật.

Mới đây nhất là NSND Minh Vương (nghệ sĩ cải lương) bị các trang Fanpage FC (hội nhóm hâm mộ nghệ sĩ) trên Facebook sử dụng hình ảnh không xin phép. Sau đó những trang này tự tạo ra các bài viết để tương tác với các thành viên thu hút được lượng lớn người quan tâm.

Hay như trước đó, MC Đại Nghĩa cũng phải lên tiếng chính thức về có đối tượng tạo tài khoản Zalo mạo danh minh để đi lừa đảo người dân với danh nghĩa đi làm từ thiện.

Tương tự ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng bị các đối tượng mạo danh lừa bán đồ hiệu để đi làm từ thiện. Có người mất 5 triệu, 7 triệu còn có người bị lừa suýt mất 70 triệu đồng.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng phải lên tiếng hồi tháng 5-2021 vì có người mạo danh mình đi lừa đảo người khác. Ảnh: FBNV

Có thể thấy, tình trạng lợi dụng hình ảnh, sự nổi tiếng của các diễn viên, nghệ sĩ đã dần phổ biến trong thời đại mà mạng xã hội phát triển như hiện nay.

Liên quan đến vấn đề này nhiều bạn đọc đã gửi câu hỏi về Pháp Luật TP.HCM thắc mắc theo quy định của pháp luật hiện hành thì hành vi giả mạo người khác trên các mạng xã hội, các trang thông tin điện tử bị xử lý như thế nào?

Trả lời vấn đề này, Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 3, Điều 12, Luật Công nghệ thông tin 2006.

Trong trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử lý hành chính theo quy định tại điểm d, Khoản 3, Điều 99 Nghị định 15/2020 thì hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của cá nhân khác có thể bị xử phạt vi phạm hành chính 20-30 triệu đồng. Ngoài bị phạt tiền người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn.

Về xử lý hình sự, tuỳ thuộc vào mục đích của người giả mạo mà sẽ bị xử lý về các tội danh khác nhau. Ví dụ, giả mạo tài khoản của người khác nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự với khung hình phạt thấp nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Việc giả mạo tài khoản của người khác nhằm mục đích xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác thì có thể bị truy cứu về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự. Khung hình phạt cao nhất cho tội này là bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm