Giải khúc mắc về giấy xác nhận số CMND

Trước khi có thẻ căn cước công dân (CCCD), mọi thứ liên quan đến công dân đều dùng số chứng minh nhân dân (CMND). Dần dần, CMND sẽ đổi toàn bộ sang CCCD, như vậy ngân hàng, công ty điện thoại, công ty bất động sản, các cơ quan làm thủ tục hành chính… sẽ từ chối giao dịch nếu không có căn cứ để xác định người cầm thẻ căn cước này là người đã từng mang số CMND kia. Để chứng minh việc này, người dân sẽ cần một tờ giấy xác nhận số CMND do cơ quan chức năng cung cấp.

Dân than vì đi lại nhiều lần

Rất nhiều người dân thắc mắc vì đã mất công làm CCCD thay thế CMND mà khi đi giao dịch phải quay lại cơ quan cấp giấy xin giấy xác nhận số CMND cũ. Giữa tháng 10, bà Nguyễn Thị Hồng Thanh (quận 7) đến Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) Công an TP.HCM để làm giấy xác nhận số CMND.

Bà Thanh cho biết bà đi làm thẻ CCCD sau khi CMND bị hết hạn vào tháng 2. Tháng 10 bà ra ngân hàng rút tiền tiết kiệm nhưng khi trình CCCD thì nhân viên ngân hàng cho biết các giao dịch trước đó bà đều dùng số CMND, giờ không thể dùng CCCD để rút tiền. Ngân hàng yêu cầu bà Thanh quay về cơ quan công an để xin giấy xác nhận vì đó là nguyên tắc.

Tương tự, bà Phạm Thị Quỳnh Như (Tân Phú) dù biết trước phải xin giấy xác nhận nhưng vẫn bức xúc vì tờ giấy này lại dưới dạng giấy khổ A5 mỏng manh dễ rách, khó khăn khi lưu giữ, mang theo thường xuyên. Bà kiến nghị đơn vị cấp căn cước nên chủ động làm giấy xác nhận cho dân chứ không nên đợi dân xin. Ngoài ra, “để tiện ích hơn, nên chăng tích hợp số CMND lên thẻ CCCD luôn” - bà Như đặt vấn đề.

Người dân làm thủ tục cấp CCCD tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Cơ quan chức năng đã lường trước

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Đại tá Phùng Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72) Bộ Công an, thông tin: Các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị hành chính công có nguyên tắc riêng nên cần xác định CCCD và CMND là một người. Điều này ngay từ khi bắt đầu triển khai làm CCCD, C72 đã dự tính được và đã đưa ra quy định.

Theo đó, khi làm thủ tục cấp CCCD, người dân điền đầy đủ thông tin vào tờ khai trong đó có dòng đề nghị cấp giấy xác nhận, nếu người dân có nhu cầu có thể ghi rõ thì lúc nhận căn cước sẽ đồng thời có giấy luôn. “Giấy này là do hệ thống cấp, phần mềm đã có sẵn nên công an địa phương chỉ cần in ra. Một số trường hợp người dân không được cấp giấy xác nhận cùng một lúc với CCCD là do quy trình về công nghệ, hệ thống quá tải nên chưa chuyển dữ liệu về kịp và C72 đã cố gắng khắc phục ngay” - ông Thắng cho biết.

Về chất liệu giấy, Đại tá Thắng cho rằng do giấy này không nhất thiết phải lưu giữ. Chỉ lúc cần giao dịch người dân mới mang tới và đề nghị với các cơ quan có yêu cầu thay toàn bộ thông tin CMND thành CCCD. Như vậy từ đó về sau sẽ không cần dùng giấy xác nhận nữa.

“Việc ghi kèm số CMND cũ lên thẻ căn cước, C72 cũng đã nghiên cứu nhưng không thực hiện được vì không được Quốc hội thông qua mà phải căn cứ theo Luật CCCD” - Đại tá Thắng nói.

Trung tá Lê Minh Xuân, Đội trưởng Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an quận 1, cho biết thời gian đầu khi TP bắt đầu cấp thẻ căn cước, đơn vị đã in sẵn giấy xác nhận cho người dân. Tuy nhiên, nhiều người không cần nên để tồn lại rất nhiều giấy ở Công an quận 1. Vì vậy cơ quan chức năng mới đổi lại là người dân nào có yêu cầu thì đơn vị sẽ cấp.

Các trường hợp công dân dù đã có thẻ CCCD nhưng trên mẫu giấy xác nhận chưa được hệ thống của Cục C72 cập nhật số CCCD nên chưa in được mà phải hẹn lại. “Thời gian qua, chưa có trường hợp nào than phiền về thủ tục này tại Công an quận 1” - Trung tá Xuân khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…