Giải pháp lấp lỗ hổng thiếu nghị định

Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) sẽ có hiệu lực thi hành từ 1-7-2013 nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có văn bản hướng dẫn, trừ nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành luật này. Vấn đề đặt ra là các nghị định (NĐ) hướng dẫn thi hành Pháp lệnh XLVPHC (như NĐ 128/2008 hướng dẫn Pháp lệnh XLVPHC và rất nhiều NĐ xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực như giao thông, đất đai, xây dựng, môi trường…) có tiếp tục có hiệu lực hay không?

Giải pháp lấp lỗ hổng thiếu nghị định ảnh 1
Lập biên bản xử lý vi phạm hành chính về an toàn giao thông. Ảnh: HTD

Sự cảm nhận chủ quan của cơ quan có thẩm quyền trong việc phải tự xác định phần văn bản nào còn, phần văn bản nào hết hiệu lực dễ dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất.

Hai luồng ý kiến

Có ý kiến cho rằng “không” bởi lẽ về mặt khoa học pháp lý và tính logic của vấn đề thì NĐ, thông tư sẽ hết hiệu lực cùng lúc với luật nếu như các văn bản này không được ghi nhận tiếp tục có hiệu lực. Nguyên tắc văn bản được hướng dẫn không còn tồn tại thì đương nhiên văn bản hướng dẫn cũng hết hiệu lực theo cần được áp dụng. Điều này đã từng được Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 ghi nhận: “Văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của văn bản hết hiệu lực cũng đồng thời hết hiệu lực cùng với văn bản đó, trừ trường hợp được giữ lại toàn bộ hoặc một phần vì còn phù hợp với các quy định của văn bản quy phạm pháp luật mới”. Thế nhưng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 (thay thế luật 1996) đã bỏ quy định này gây ra khoảng trống trong thực tiễn áp dụng văn bản trong thời điểm “giao thời”.

Lại có ý kiến cho rằng “có” do các luật hết hiệu lực thi hành nhưng văn bản hướng dẫn thi hành không đồng thời hay đương nhiên hết hiệu lực, chỉ trừ trường hợp các quy định của văn bản hướng dẫn trái với quy định của luật mới.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 có thể hiện điều này bằng quy định: Một văn bản sẽ hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần khi rơi vào một trong ba trường hợp sau: (1) Hết thời hạn có hiệu lực đã được quy định trong văn bản; (2) Được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó; (3) Bị hủy bỏ hoặc bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Chính vì vậy, không có cơ sở pháp lý nào để khẳng định các NĐ hướng dẫn Pháp lệnh XLVPHC hết hiệu lực khi pháp lệnh này được thay thế.

Nhiều hệ lụy phát sinh

Rõ ràng, pháp luật đang bỏ ngỏ vấn đề này và từ đó có thể tạo ra sự tùy tiện vì sẽ có tình trạng không biết rõ văn bản nào có thể áp dụng tiếp và văn bản nào hết hiệu lực. Thêm vào đó, sự cảm nhận chủ quan của cơ quan có thẩm quyền trong việc phải tự xác định phần văn bản nào còn, phần văn bản nào hết hiệu lực dễ dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất.

Ví dụ: NĐ 87/2001 về xử phạt VPHC trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình có nhiều hành vi có mức phạt từ 20.000 đồng đến 100.000 đồng (phù hợp với pháp lệnh là từ 10.000 đồng đến 500 triệu đồng). Thế nhưng Luật XLVPHC quy định mức phạt tiền từ 50.000 đồng đến 1 tỉ đồng đối với cá nhân, từ 100.000 đồng đến 2 tỉ đồng đối với tổ chức. Vậy cơ quan có thẩm quyền sẽ xử phạt như thế nào?

Một số kiến nghị

Giải pháp trước mắt trong tình trạng hiện nay là:

1. Chính phủ cần ban hành một NĐ trong đó ghi nhận chính thức việc tiếp tục thi hành của các NĐ xử phạt VPHC, liệt kê những quy định không được áp dụng từ ngày 1-7. Đồng thời, để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân, yêu cầu các cơ quan áp dụng pháp luật nghiêm chỉnh tuân thủ nguyên tắc các văn bản có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.

2. Hoặc Chính phủ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các phương án thực hiện Luật XLVPHC như đã từng làm đối với Luật Thuế thu nhập cá nhân vào năm 2009. Cụ thể, xin bảo lưu một số điều khoản trong Luật XLVPHC như thẩm quyền xử phạt vi phạm hoặc xin tiếp tục được thực hiện theo các quy định hiện hành đến khi các NĐ mới được ban hành...

Qua vụ này và tới đây còn có thể xảy ra nhiều vụ nữa vì các luật sẽ được thay thế nhiều, đề nghị các nhà làm luật cần quy định rõ ràng hiệu lực của các văn bản hướng dẫn luật.

ThS THÁI THỊ TUYẾT DUNG (ĐH Luật TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm