Giám định pháp y: Bao giờ hết bị coi nhẹ?

Không còn nghi ngờ vai trò của pháp y trong quá trình phát triển của khoa học, ngăn ngừa tội phạm, đảm bảo sự công bằng, minh bạch của hoạt động tố tụng.

Bảng tỷ lệ tổn hại sức khỏe - dài cổ mong chờ

Một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của pháp y là giám định tỷ lệ tổn hại sức khỏe của thương tích và chấn thương nhằm bắt kẻ phạm tội phải có trách nhiệm với hành vi của mình, và người vô tội được minh oan, bồi thường thỏa đáng.

Muốn làm được điều này, các giám định viên pháp y phải có một chuẩn mực làm căn cứ và chuẩn mực đó không những đáp ứng được tính chuyên môn mà còn đảm bảo được tính pháp lý để tất cả các đối tượng đều “tâm phục, khẩu phục”.

Thế nhưng hiện nay, để giám định tỷ lệ tổn hại sức khỏe của thương tích và chấn thương toàn bộ ngành pháp y từ Trung ương tới địa phương đều đang sử dụng Thông tư liên bộ số 12/TT-LB ngày 26-7-1995 của Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH quy định thương tật, bệnh tật. Điều đáng nói là văn bản này được áp dụng chủ yếu trong tai nạn lao động, và hơn nữa cũng không đầy đủ các tổn thương trong giám định pháp y, nếu không muốn nói là một số mục đã quá lỗi thời.

Chính vì vậy, theo TS Vũ Dương, Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia, thời gian qua đã có nhiều vụ án không thể giải quyết, chỉ vì lý do thiếu quy định, khiến gia đình khiếu kiện kéo dài, cơ quan thông tin đại chúng lên tiếng gây ra những luồng dư luận không hay trong xã hội.

“Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị Bộ Y tế và các Bộ có liên quan sớm ban hành Bảng tỉ lệ tổn hại sức khỏe dùng chung cho pháp y và pháp y tâm thần cũng như giám định y khoa. Thế nhưng, hiện vẫn đang dài cổ chờ đợi”- ông Dương cho biết.

“Con đẻ” hay “con nuôi”?

Nguồn nhân lực cho pháp y là vấn đề cấp bách trong nhiều năm qua. Hiện tại trong toàn quốc có 20 đại học y và y dược, nhiều trường cao đẳng nhưng chỉ duy nhất có trường ĐH Y Hà Nội là có bộ môn y pháp. Còn ở các trường khác, nếu sinh viên có nhu cầu học về pháp y cũng chỉ được giáo viên các chuyên ngành khác đảm nhiệm, không nơi thực tập.

Điều này chẳng khác gì đưa dân phòng dạy tác chiến cho bộ đội chính quy và sinh viên hiểu pháp y không toàn diện cũng là điều dễ hiểu. Hệ quả của cách giảng dạy, của sự thiếu quan tâm đúng mức này là tại Viện Pháp y quốc gia không tuyển được bác sĩ vào làm chuyên môn, trong khi đó số bác sĩ xin nghỉ việc năm nào cũng có. Địa phương cũng nằm trong hoàn cảnh bi đát không kém về nhân lực.

Có một thực tế là hiện nay rất nhiều bác sĩ làm pháp y sợ bị bổ nhiệm làm giám định viên. Bởi lẽ điều đó đồng nghĩa với việc họ không còn thời gian làm tư, mà nếu có tranh thủ làm thì cũng không có bệnh nhân vì người bệnh khiếp sợ. Thậm chí bạn bè không dám bắt tay khi gặp gỡ, dù được mời rất lịch sự nhưng các giám định viên pháp y vẫn phải ngồi riêng trong các buổi liên hoan, thù tiếp...

Đây chỉ là một trong những lý do khiến cho các cán bộ pháp y đã phải cay đắng thốt lên: “Chúng tôi chỉ là "con nuôi" của ngành y tế”. Vì ngành y tế cho đến nay vẫn còn nhìn nhận pháp y rất phiến diện, chưa xem pháp y có vai trò nhất định cùng với toàn ngành đảm bảo sức khỏe của nhân dân, các trường ĐH chưa xem pháp y là lĩnh vực cần truyền đạt kiến thức cho sinh viên... Xem ra Bộ Y tế phải sớm có sự đồng thuận xem pháp y là “con đẻ” của ngành chứ không phải “con nuôi” thì pháp y mới có cơ mong tồn tại và phát triển trong lòng y tế -  ông Dương cho biết.

TS Vũ Dương, Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia:

Chúng tôi mỏi mòn chờ thông tư

Chế độ bồi dưỡng cho giám định viên tư pháp trong đó có pháp y đã được Thủ tướng ra Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg  và tại Điều 6 có quy định Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Nội vụ hướng dẫn tổ chức thực hiện. Quyết định này đã có hiệu lực từ ngày 1-7-2009 mà đến nay vẫn chưa hướng dẫn đồng nghĩa với chưa được thi hành. Đâm ra anh em làm trong ngành pháp y chưa kịp vui mừng với chế độ được cải thiện thì đã phải tiếp tục kéo dài cảnh mòn mỏi chờ đợi như trước.

Mặt khác, hiện đang xảy ra tình trạng những người được bổ nhiệm theo Nghị định 117-HĐBT vẫn tiếp tục làm giám định. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tư pháp ra thông tư hướng dẫn cho phù hợp với Điều 27 Khoản 1 của Nghị định 67/2005/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Giám định tư pháp. Theo quy định này trong thời hạn hai tháng kể từ khi nghị định có hiệu lực, các hoạt đồng rà soát, bổ nhiệm lại giám định viên pháp y phải được tiến hành.

Thế nhưng, cho đến nay đã hơn bốn năm trôi qua mà quy định của luật vẫn chưa được triển khai khiến cho cơ quan giám định rất lúng túng trong quản lý, cơ quan điều tra khó khăn trong trưng cầu. Vì thế, tôi đề nghị Bộ Tư pháp sớm quan tâm đến những vấn đề hết sức cấp thiết này.

Thứ trưởng Bộ Y tế - Trần Chí Liêm:

Sẽ phối hợp với ngành Tư pháp để nâng cao nhận thức về pháp y

Thời gian qua vấn đề nhận thức về công tác giám định pháp y trong ngành y tế còn giới hạn. Vì một số địa phương cho rằng pháp y phục vụ cơ quan điều tra tố tụng, không liên quan gì đến chức năng nhiệm vụ của ngành y tế.

Đây là nhận thức không đúng với vai trò, nhiệm vụ của pháp y, vì pháp y không những phục vụ cho cơ quan tố tụng, mà còn phục vụ giám định theo yêu cầu của cá nhân và tổ chức. Pháp y không những giám định đối với các trường hợp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe nhân phẩm con người ở ngoài xã hội, mà ngay cả trong nghiệp vụ y tế, pháp y có nhiệm vụ tham mưu cho y tế địa phương khi có thưa kiện, khiếu nại liên quan đến công tác điều trị, khám chữa bệnh, ở cả lĩnh vực y tế tư nhân và nhà nước, báo cáo với y tế và các ngành chức năng về tình hình tội phạm, tai nạn lao động, giao thông, ngộ độc...

Đặc biệt, pháp y có nhiệm vụ trong hiến ghép mô phủ tạng và hiến xác, theo quy định của pháp luật. Do vậy, việc đẩy mạnh nhận thức về vai trò pháp y trong ngành y tế là rất quan trọng. Vì thế, Bộ Y tế cần phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện tuyên truyền nhận thức về pháp y tới UBND tỉnh, thành phố, Sở Y tế và Sở Tư pháp các địa phương trên toàn quốc để có sự chuyển biến mạnh trong nhận thức về pháp y. Có như thế pháp y mới phát triển.

Theo Hồng Minh (website Bộ Tư pháp)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.