Giành nhau nuôi con, cha mẹ liên lụy trẻ

Chị TTNP sống ở TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk đã đến Hội Bảo vệ quyền trẻ em và báoPháp Luật TP.HCM để cầu cứu. Chồng cũ của chị là anh NVN (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã đưa hai con chung của anh chị từ Đắk Lắk (nhà chị) về nhà anh ở TP.HCM. việc này đã khiến hai bé không được đến trường.

Mẹ nói cha hoàn cảnh khó khăn

Trong dáng vẻ mệt mỏi, chị P. trình bày với báo Pháp Luật TP.HCM về vụ việc. Theo đó, anh chị ly hôn từ năm 2016, hai con chung là bé AK (tám tuổi) được giao cho cha nuôi dưỡng, còn con nhỏ là bé PQ năm tuổi thì giao cho mẹ.

Tuy nhiên, thời điểm đó anh N. thất nghiệp nên chị P. nhận nuôi cả hai bé cho “có anh có em”. Anh N. không phản đối và thỉnh thoảng vẫn lên thăm con. Dịp Tết, anh lên thăm con từ ngày 29 Tết (14-2) đến ngày mùng 6 Tết (21-2) thì mâu thuẫn với chị P. nên anh giấu chị, đón xe đưa hai con về nhà mình ở TP.HCM.

Chị P. rưng rưng: “Tôi đi kiếm con khắp nơi, tới tối về đến TP anh N. mới gọi báo. Ngày 28-2, tôi xuống để nói chuyện và đón con về đi học thì bất ngờ anh N. không chịu giao cả hai đứa cho tôi, còn nói muốn gì cứ ra tòa. Lúc này tôi đành phải nhờ chính quyền can thiệp”.

Theo chị P., bé K. đang học lớp 2, ra Tết đã lâu mà bé vẫn chưa đi học lại, cô giáo đã nhiều lần nhắc nên chị rất lo lắng. Thời gian nuôi hai con chị P. không nhận cấp dưỡng từ chồng cũ và có nhiều giấy tờ cho thấy chị nhiều lần chuyển tiền giúp đỡ anh N. vì hoàn cảnh anh khá khó khăn.

“Nếu anh có khả năng nuôi hai con thì không nói làm gì, đằng này… Vì mâu thuẫn người lớn mà để trẻ ảnh hưởng học hành là không được nên tôi chỉ muốn giải quyết nhanh cho con về đi học lại” - chị P. chia sẻ.

Chị P. tới Hội Bảo vệ quyền trẻ em cầu cứu với hy vọng cho con quay lại lớp học. Ảnh: H.LAN

Cha lại cho rằng mẹ cờ bạc

Trao đổi với PV, anh N. cho rằng: “Vì muốn con có anh có em nên tôi để cô ấy giữ hai đứa và thường lên thăm. Tuy nhiên, P. thường xuyên bỏ con cho con riêng (đang còn đi học) chăm sóc thay để bài bạc. Tôi khuyên can nhiều lần không được. Tôi không muốn con sống trong môi trường không tốt, thiếu tình yêu thương nên đành phải giành con lại”.

Theo người cha, anh đã cho K. đi học nhưng điểm đầu vào của bé lại không theo kịp lớp 2. “Tôi phải để con ở nhà, mời giáo viên đến dạy để con có thể theo kịp chương trình vào năm tới. Tôi biết việc làm của mình không đúng nhưng vẫn phải làm. Sau khi ổn định cuộc sống cho hai đứa, tôi sẽ làm đơn ra tòa để xin thay đổi quyền nuôi con” - anh N. nói.

Theo bà Cao Thị Hiền, Hội trưởng Hội Phụ nữ phường 11, ngay sau khi nhận được phản ánh từ Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, Hội Phụ nữ cùng với khu phố, tổ dân phố đã đến nhà anh N. vận động anh cho con lên Đắk Lắk để bé tiếp tục đi học.

“Tuy nhiên, khi tiếp xúc anh N. đưa ra một số lý do buộc anh phải làm như vậy. Về vấn đề này chúng tôi cần xác minh lại thông tin cả hai bên. Bên cạnh đó, nguyện vọng của cả hai bé là đều muốn được ở với ba. Hội cũng đã hòa giải, phân tích lợi hại với cha mẹ trẻ, nói rõ việc này ảnh hưởng đến trẻ ra sao. Hiện bé lớn đang được cô giáo về nhà dạy thêm để bổ sung kiến thức” - bà Hiền thông tin.

Luật sư Vũ Anh Tuấn, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cho biết anh N. và chị P. đã ly hôn nên cả hai không có quyền can thiệp vào cuộc sống riêng của nhau.

Luật quy định trẻ em có quyền được đến trường, chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển thể chất, trí tuệ, tinh thần. Do đó, chính quyền cần phải vào cuộc sớm để đảm bảo việc ăn học, ổn định tâm lý, môi trường sinh hoạt yên ổn cho hai bé.

Theo quyết định ly hôn, chị P. nuôi bé nhỏ nên chính quyền phải xử lý cho chị được nhận bé nhỏ về. Chị P. nếu có nguyện vọng nuôi cả hai bé thì phải làm đơn xin thay đổi quyền nuôi con lên tòa. Tòa sẽ căn cứ vào điều kiện nuôi và chăm sóc con của hai người để ra quyết định. Trước mắt, anh N. đón bé K. về mà không cho bé đi học tiếp là đang vi phạm quyền trẻ em, chính quyền phải vào cuộc để đảm bảo quyền lợi này cho trẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm