Giấy mới nhưng mắc mứu cũ

Lý giải về việc này, ông Phùng Văn Nghệ, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, cho biết chẳng người dân nào muốn giấy chứng nhận của mình có quá nhiều tên khác nhau, đa số muốn được đứng tên riêng trên giấy.

Dựa vào đâu mà lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường nói vậy? Đa số người dân muốn thế hay đó chỉ là suy nghĩ chủ quan của những người thiết kế mẫu giấy? Nên nhớ trước giờ nhà nước đặt ra rất nhiều loại giấy chứng nhận mà thường thì giấy sau dở hơn giấy trước (!).

Nhận xét này không phải của riêng người dân, của các cơ quan truyền thông mà chính các cơ quan chức năng (nhất là những cơ quan đang chuẩn bị đệ trình cấp giấy mới) cũng nhận thấy. Vậy sao các cơ quan không nghiên cứu kỹ lưỡng hướng khắc phục để giấy sau thực sự hay hơn giấy trước, giúp dân đỡ bị phiền hà?

Giấy mới nhưng mắc mứu cũ ảnh 1

Người dân luôn mong thủ tục cấp giấy mới sẽ đơn giản và ít tốn kém thời gian hơn. Trong ảnh: Làm thủ tục nhà đất tại UBND, quận Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: HTD

Được biết, trước khi ban hành Thông tư 17/2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường có tổ chức lấy ý kiến góp ý của người dân về mẫu giấy chứng nhận mới. Vậy kết quả góp ý ra sao, Bộ tiếp thu thế nào? Bộ này có chủ động phát phiếu thăm dò những người từng đi làm giấy tờ nhà đất để xem người dân thích được cập nhật tên chủ mới trên giấy hiện hữu, hay muốn được cấp giấy mới. Câu trả lời e là “không” vì nếu có phát phiếu thì lãnh đạo Bộ đã có thể căn cứ vào đó để giải thích với công luận rằng tại sao phải làm thế này mà không làm thế khác.

Chưa kể việc trễ hẹn, tốn kém chi phí thì bản thân việc mất thêm thời gian cho mỗi lần xin cấp giấy mới đã là điều không hay. Tôi cứ thấy tiếc vì trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng, Quốc hội đã không kịp thời điều chỉnh quy định này để giấy mới đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu của người dân.

TRẦN THỊ QUYÊN (Quận 1)

Quá nhiều trang

Khi chuyển nhượng, nếu chỉ cần đăng bộ là xong thì người dân chỉ mất khoảng 3-5 ngày. Nhưng nếu phải chờ được cấp giấy mới thì người dân mất khoảng 15, 20 ngày (có khi là cả tháng) và thủ tục đôi lúc khó khăn tựa như đi làm chủ quyền cho những trường hợp chưa có miếng giấy lận lưng nào!

Lúc đầu nghe tin giấy hồng mới có nhiều trang tôi đã rất mừng. Tôi cứ nghĩ sẽ được cập nhật tên chủ sở hữu, chủ sử dụng mới trên giấy chứ đâu ngờ là không phải vậy. Giờ thì tôi thắc mắc: Nếu không cho cập nhật tên người nhận chuyển nhượng thì việc in ra nhiều trang để làm gì? Bởi các trường hợp được xác nhận thay đổi vào giấy chứng nhận như giảm diện tích thửa đất do sạt lở tự nhiên; thay đổi diện tích xây dựng, diện tích sử dụng, tầng cao, kết cấu, cấp (hạng) nhà, công trình; thay đổi thông tin về số hiệu thửa, tên đơn vị hành chính nơi có thửa đất, tài sản gắn liền với đất; thay đổi thời hạn sử dụng đất, thời hạn sở hữu tài sản... đâu xảy ra nhiều đến mức phải cần nhiều trang giấy.

Nếu ai đó thích đổi chủ đổi giấy thì phần tôi lại cho rằng chỉ cần một giấy chứa hết thảy thông tin của từng bất động sản (trong đó có cả quá trình chuyển dịch, mua bán, tặng cho) thì sẽ đơn giản, tiết kiệm hơn nhiều.

thaoxuan...@yahoo.com

Nên quy định thời gian đổi giấy cu

Theo Thông tư 17/2009, thời gian để người nhận chuyển nhượng được cấp giấy hồng mới là 15 ngày làm việc. Bằng kinh nghiệm thực tế, tôi cho rằng thời gian này chỉ phù hợp với những trường hợp đã có giấy hồng cấp theo Nghị định 90/2006 (tức theo Quyết định 54/2007 của UBND TP.HCM) hoặc giấy hồng cấp theo Nghị định 88/2009 vì các giấy này thể hiện đầy đủ các thông tin liên quan.

Ngược lại, giấy hồng cấp theo Nghị định 60, 61/2004 và nhất là các loại giấy tờ nhà đất cấp theo quy định cũ (nói gọn là giấy trắng) có phần phức tạp. Nếu sơ đồ nhà đất trên giấy hồng 60, 61 khác với sơ đồ trên giấy hồng 90 (54) thì các loại giấy trắng lại chưa rõ ràng, ổn định. Rất nhiều giấy trắng chỉ ghi diện tích nhà, không ghi diện tích đất nên khi cần cấp giấy hồng người dân đã phải “vật lộn” với việc tường trình, xác minh diện tích đất của các cơ quan.

Thông tư 17/2009 chỉ quy định: Sau khi nhận đủ hồ sơ chuyển nhượng hợp lệ, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm thẩm tra; trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận ở nơi chưa có bản đồ địa chính hoặc đã cấp giấy chứng nhận nhưng chưa có sơ đồ thửa đất.

Vậy đối với giấy trắng và giấy hồng 60, 61, người nhận chuyển nhượng có phải đo vẽ lại không, có phải làm thêm thủ tục gì nữa không? Do việc làm bản vẽ rất nhiêu khê nên đề nghị UBND TP.HCM cần quy định cụ thể cách xử lý đối với các trường hợp có các loại giấy cũ nói trên để quận, huyện có cơ sở thực hiện thống nhất.

LẠI TUYẾT (Huyện Nhà Bè)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm