Giấy phép con trong đăng ký tạm trú?

Một người bạn cho hay khi đăng ký tạm trú cho con trai hơn 17 tuổi tại phường nọ ở TP.HCM, bạn bị buộc nộp thêm giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự của ban chỉ huy quân sự ngoài quê. Trả lời thắc mắc của bạn, công an phường đó cho biết Quyết định 90 ngày 30-5-2005 của UBND TP.HCM đã quy định như vậy. Bạn nghi ngờ: “Với việc đăng ký thường trú, Luật Cư trú có hiệu lực từ ngày 1-7-2007 còn quy định rất thoáng, huống chi là đăng ký tạm trú. Liệu có lấn cấn gì ở đây?”.

Để việc so sánh được chính xác, động tác đầu tiên của tôi là dò xem Quyết định 90 còn hiệu lực hay không. Nhấp chuột vào city web (www.hochiminhcity.gov.vn) rồi vào phần “Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật TP.HCM”, sau khi điền các thông tin cần thiết, tôi nhận được kết quả Quyết định 90/2005 của UBND TP.HCM (v/v ban hành Quy chế quản lý cư trú và lao động của người tạm trú có thời hạn trên địa bàn TP.HCM) đang còn hiệu lực. Theo các điểm d, đ khoản 2 Điều 3 quyết định này, muốn đăng ký tạm trú có thời hạn tại TP.HCM, nam công dân từ đủ 17 tuổi đến dưới 18 tuổi phải có giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự của ban chỉ huy quân sự cấp huyện nơi người đó có hộ khẩu thường trú…; nam công dân từ đủ 18 đến 27 tuổi phải có một trong các loại giấy như quyết định xuất ngũ, giấy tạm hoãn hoặc miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự do cơ quan có thẩm quyền cấp; giấy xác nhận chưa gọi nhập ngũ của ban chỉ huy quân sự cấp xã nơi người đó có hộ khẩu thường trú… Ở phần căn cứ ban hành, quyết định này liệt kê ra nhiều văn bản, trong đó có Nghị định 51/1997 về đăng ký và quản lý hộ khẩu (đã hết hiệu lực từ năm 2007).

Giấy phép con trong đăng ký tạm trú? ảnh 1

Làm thủ tục đăng ký hộ khẩu tại quận 1, TP.HCM. Ảnh: HTD

Trong khi đó, Luật Cư trú quy định hết sức đơn giản: “Người đến đăng ký tạm trú phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có xác nhận của công an xã, phường, thị trấn nơi người đó đã đăng ký thường trú; giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở đó...” (khoản 3 Điều 30). Thông tư 06 ngày 1-7-2007 của Bộ Công an cũng không đòi hỏi thêm giấy tờ nào khác (Điều 1 mục III). Ngoài ra, luật này và các văn bản hướng dẫn đều không quy định về việc tạm trú có thời hạn như quy định của Quyết định 90. Cụ thể, theo khoản 4 Điều 30 luật trên, sổ tạm trú được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký tạm trú, có giá trị xác định nơi tạm trú của công dân và không xác định thời hạn.

Khoản 2 Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”. Nếu thực sự Quyết định 90/2005 của UBND TP.HCM còn hiệu lực thì do được ban hành trước khi có Luật Cư trú, lại có một số nội dung khác với Luật Cư trú, các cơ quan chức năng của TP.HCM không được thực hiện tiếp quyết định này mà phải làm theo Luật Cư trú.

Một góp ý khác có liên quan: Muốn làm tốt công tác nghĩa vụ quân sự, ban chỉ huy quân sự các địa phương cần chủ động phối hợp với các cơ quan công an để nắm thông tin và thực hiện quản lý theo thẩm quyền. Chính quyền không nên yêu cầu người dân tự chứng minh một việc ngoài quy định.

Luật gia ĐÀM VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm