Góp vốn mua nhà dự án: Đọc kỹ hợp đồng để tránh mắc bẫy

Trên hai số báo vừa qua, Pháp Luật TP.HCM phản ánh một số điểm mà khách hàng cần lưu ý khi ký kết hợp đồng góp vốn mua căn hộ trong các dự án. Gửi ý kiến phản hồi, nhiều bạn đọc cho rằng với những hợp đồng do chủ đầu tư đưa ra, do ở thế yếu nên khách hàng phải “cắn răng” chấp nhận. Do đó, nếu có tranh chấp xảy ra thì các cơ quan có thẩm quyền phải xử theo hướng có lợi cho khách hàng.

Ưng bụng hãy ký

Luật sư Nguyễn Thị Cam (Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Đất Luật) phân tích: Hợp đồng mua nhà dự án dạng góp vốn đầu tư, kinh doanh không phải là hợp đồng theo mẫu vì khách hàng có quyền đề nghị sửa đổi, từ chối giao kết. Hơn nữa, mỗi hợp đồng có những thỏa thuận khác nhau về số tiền, kỳ hạn thanh toán, lãi suất bao nhiêu… Để tránh các rắc rối phát sinh, người góp vốn có quyền và có khả năng xem xét các thông tin về dự án. Dự án như thế nào, tính chất pháp lý ra sao… đều có thông tin đầy đủ cả. Nếu thấy không ổn về pháp lý thì khách hàng có quyền không góp vốn, không mua căn hộ của chủ đầu tư đó, đi tìm chủ đầu tư khác, dự án khác.

Góp vốn mua nhà dự án: Đọc kỹ hợp đồng để tránh mắc bẫy ảnh 1

Để tránh các rắc rối phát sinh, người góp vốn mua nhà dự án có quyền xem xét kỹ lưỡng các thông tin về dự án trước khi mua. Ảnh: HTD

Coi chừng các điều khoản bất lợi

Luật sư Trần Thái Bình (Công ty Luật LCT) cho biết  Bộ luật Dân sự và luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quy định về hợp đồng dân sự theo mẫu. Theo đó, một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời, nếu trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng. Ông cho rằng ngay cả khi khách hàng hiểu hợp đồng góp vốn mua căn hộ dự án là hợp đồng theo mẫu, do chủ đầu tư đưa ra thì họ cũng không thể viện dẫn hai luật trên để đề nghị pháp luật xử cho mình được lợi!

Theo luật định, “Trong trường hợp hiểu khác nhau về nội dung hợp đồng thì tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giải thích theo hướng có lợi cho người tiêu dùng”. Nhưng cần lưu ý, chỉ trong trường hợp “có điều khoản không rõ ràng” thì bên soạn hợp đồng mới phải chịu bất lợi. Nếu điều khoản đã rõ ràng, cả hai bên chỉ hiểu một cách như nhau thì khách hàng phải thực hiện dù điều khoản đó có thể gây bất lợi cho khách hàng.

Vi phạm quyền lợi mới phải hủy

Điều 19 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: “Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tự mình hoặc theo đề nghị của người tiêu dùng, yêu cầu doanh nghiệp hủy bỏ, sửa đổi hợp đồng nếu phát hiện hợp đồng theo mẫu vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng”.

Theo đó, chỉ trong trường hợp điều khoản trong hợp đồng vi phạm quyền lợi chính đáng của khách hàng thì mới đặt vấn đề hủy. Còn những thỏa thuận như khách hàng chậm nộp tiền thì phải trả lãi, thậm chí còn bị phạt thêm, chậm quá thì chấm dứt hợp đồng… tuy bất lợi cho khách hàng nhưng là những thỏa thuận chính đáng, hợp lý, bảo vệ quyền lợi của các bên, của toàn bộ dự án… nên không thể hủy.

Luật sư CỔ HIỆP, Đoàn Luật sư TP.HCM

QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm