Hết hạn cấm xuất cảnh, vẫn bị vịn

Ông Trương Minh Tài (thị trấn Giồng Riềng, Bến Tre) phản ánh: Ngày 3-4, ông đến cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để làm thủ tục xuất cảnh đi Đài Loan thì bị công an cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất không cho xuất cảnh và lập biên bản về việc ông không được xuất cảnh.

Bị hành tới lui nhiều lần

Tại đây, công an cửa khẩu giải thích lý do ông chưa được xuất cảnh vì TAND tỉnh Kiên Giang có công văn tạm hoãn xuất cảnh đối với ông và hướng dẫn ông về liên hệ với tòa để được gỡ bỏ quyết định tạm hoãn xuất cảnh.

Trước đó, năm 2014, ông là bị đơn trong một vụ kiện dân sự “tranh chấp về hợp đồng dân sự vay tài sản”. Ngày 21-5-2014, TAND tỉnh Kiên Giang đã có văn bản đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh (XNC), Bộ Công an tạm hoãn xuất cảnh (có thời hạn 60 ngày) đối với ông Tài. Đến tháng 9-2015, tòa huyện Giồng Riềng ra quyết định đình chỉ vụ án.

“Sau khi bị cấm xuất cảnh, tôi quay về TAND tỉnh Kiên Giang để yêu cầu tòa xóa bỏ lệnh tạm hoãn xuất cảnh. Ngày 6-4, TAND tỉnh Kiên Giang ra công văn gửi Cục Quản lý XNC và Phòng Quản lý XNC Công an tỉnh Kiên Giang với nội dung hiện tại tòa án này không có quyết định nào cấm xuất cảnh đối với tôi. Tôi cầm công văn đến gặp Cục Quản lý XNC, thế nhưng cán bộ ở đây lại yêu cầu tôi quay về tòa để yêu cầu cơ quan này ra công văn đề nghị hủy bỏ bản đăng ký đối tượng tạm hoãn XNC. Tôi lại tiếp tục về tòa án Kiên Giang lần nữa”.

Ngày 11-4, TAND tỉnh Kiên Giang ra tiếp công văn với nội dung: Bản đăng ký đối tượng tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Tài có thời hạn tạm hoãn xuất cảnh là 60 ngày kể từ ngày 21-5-2014 nên tính đến thời điểm hiện tại thì bản đăng ký trên đã hết hiệu lực. Ông Tài được quyền xuất cảnh theo quy định pháp luật.

Ông Tài bức xúc vì bị cấm xuất cảnh vô lý. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

“Vậy mà khi tôi mang công văn này lên trình cho Cục Quản lý XNC thì không được giải quyết và bảo về đợi” - ông Tài cho biết thêm.

Vì công việc quá gấp, ngày 19-4, ông mua đại vé đi Đài Loan (rồi quá cảnh qua Mỹ) lại một lần nữa thì được bay.

Ông Tài ngao ngán: “Việc ngăn chặn xuất cảnh này đã gây ra biết bao thiệt hại cho tôi và gia đình. Theo lịch trình thì tôi phải về Mỹ trước ngày 15-4 để nộp thuế nhưng bị vướng như thế này thì tôi phải bị mất một khoản tiền phạt chậm nộp thuế và rất dễ mất việc làm. Việc cấm xuất cảnh đối với tôi như hiện nay là vô lý và các cơ quan liên quan phải có trách nhiệm giải quyết sớm cho tôi chứ tại sao lại bắt tôi phải chờ?”. Ông Tài cũng bức xúc rằng sau khi ông tới lui khiếu nại, cơ quan chức năng tháo dỡ lệnh cấm xuất cảnh với ông thì đã không hề thông báo cho ông biết.

Có thể kiện đòi bồi thường

ông Mai Xuân Bình (nguyên Chánh án TAND quận 1, TP.HCM) cho rằng đối với trường hợp tạm hoãn xuất cảnh có thời hạn ghi trong văn bản của tòa án thì mặc nhiên sau thời gian này công dân vẫn được xuất cảnh bình thường ngoại trừ có văn bản yêu cầu chưa được XNC tiếp theo phát sinh vụ việc có liên quan đến XNC mới.

Theo ông Bình, thời gian qua TAND quận 1 đã xét xử nhiều vụ việc liên quan đến việc khách bị cấm xuất cảnh với lý do tương tự vụ việc này, tuy nhiên phía khách đã chứng minh được thiệt hại và quy định pháp luật liên quan cho phép họ xuất cảnh, thay vì phải có yêu cầu giải tỏa từ cơ quan có thẩm quyền sau thời gian tạm hoãn có thời hạn. Một số vụ việc khách chứng minh thiệt hại vé máy bay do lỡ chuyến bay, công việc liên quan đến ký kết hợp đồng kinh tế, chi phí đi lại… “Tuy nhiên, phần lớn các vụ việc như thế này, sau khi xét xử hai bên đều thỏa thuận để giải quyết hậu quả do mình gây nên” - ông Bình nói.

Ông Bình cho rằng trong vụ việc trên, ông Tài có thể khởi kiện cơ quan đã cấm xuất cảnh trái quy định pháp luật so với quyết định tạm hoãn xuất cảnh 60 ngày để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Chúng tôi đã liên hệ với Cục Quản lý XNC, Bộ Công an tại TP.HCM. Đơn vị này thông tin ông Tài đã đến phản ánh việc ông chưa được xuất cảnh. Về quy trình giải quyết việc này thì nơi đây áp dụng theo Thông tư số 21/2011/TT-BCA. Theo đó, trong thời hạn tạm hoãn xuất cảnh, nếu thấy cần phải giải tỏa các quyết định này thì cơ quan, người có thẩm quyền thông báo bằng văn bản cho Cục Quản lý XNC và cho người có nghĩa vụ chấp hành quyết định này biết. Sau khi tiếp nhận văn bản thông báo về việc giải tỏa quyết định tạm hoãn xuất cảnh, Cục Quản lý XNC mới nhập dữ liệu và thông báo cho các cơ quan liên quan để thực hiện. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm