Hiệu quả của lễ độ

Một cô giáo về hưu nói với tôi: “Cô thấy việc ấy là bình thường mà. Con thấy đúng không?” Đây là câu hỏi khó vì nói bình thường cũng đúng và nói không cũng đúng.

Khi tôi còn học phổ thông (khoảng 20 năm trước) tất cả chúng tôi đều được dạy bài học sơ đẳng là đi thưa về trình, gặp người lớn phải chào. Thời đó, học trò khoanh tay chào bác bảo vệ, cô lao công… là đương nhiên. Học sinh có thể học giỏi hoặc kém nhưng lễ độ với người lớn là phẩm chất tiên quyết phải có ở mỗi em. Có lẽ vì thế mà cô giáo tôi thấy chuyện này… thường thôi.

Cái khiến hành động ấy trở nên “khác thường” là vì ngày nay chuyện thưa gửi, chào hỏi của người nhỏ với người lớn đã bị xem nhẹ, ít được dạy dỗ, càng thấy hiếm ai nhắc nhở nên dần dần… quên luôn.

Học sinh Trường Lê Hồng Phong cúi chào bác bảo vệ. Ảnh: INTERNET

Làm công việc thiết kế, tôi thường xuyên tiếp xúc với khách hàng khi thì ở nhà riêng, lúc ở công ty. Khách của tôi thường dẫn theo con nhỏ. Gặp tôi, có bé được cha mẹ nhắc “chào chú đi con” thì mới chào, nếu cha mẹ không nhắc thì nhiều bé chỉ trố mắt nhìn tôi rồi thôi. Rất hiếm có em chủ động chào hỏi. Nói như thế để thấy việc chào người lớn dường như không còn là thói quen tốt thấm sâu vào tính cách của các em nữa.

Cuộc sống vốn không có gì là tuyệt đối nhưng vẫn theo quy luật nhân quả. Dân gian thường nói người biết hiếu thảo với cha mẹ, kính trọng người lớn thường sẽ chung thủy và có lối sống hòa thuận với vợ/chồng khi kết hôn.

Người lớn thường đều là người có kiến thức, kinh nghiệm sống hơn người nhỏ, đa phần người lớn đều biểu trưng cho sự đúng đắn, che chở đối với người nhỏ. Lễ độ với người lớn hơn mình nói chung, với người truyền trao kiến thức, chăm lo, giúp đỡ mình nói riêng vì vậy được cho là căn nguyên hình thành thói quen biết yêu thương, chia sẻ, ý thức tuân thủ các quy tắc chung của cộng đồng và thượng tôn pháp luật.

Rõ hơn, một xã hội mà người trẻ lễ độ, tôn trọng người lớn, biết kính trên nhường dưới thường sẽ là một xã hội có tôn ti, trật tự, con người ai cũng tự rèn luyện và tạo thành một tập thể có quy củ. Nhật Bản là một ví dụ sinh động của văn hóa lễ phép, phẩm chất lễ độ của con người. Đương nhiên, đây cũng là quốc gia thượng tôn pháp luật hàng đầu thế giới.

Vậy nên, việc học sinh chào bác bảo vệ nói riêng, người nhỏ kính trọng, quan tâm người lớn nói chung nên được xem là tiêu chí tiên quyết, cốt lõi để hướng đến xây dựng một xã hội văn minh. Đừng nên xem đó là “của hiếm” để chỉ ngưỡng mộ rồi bỏ qua. Chúng ta cần biến nó thành một thói quen, đức tính trong giao tiếp, ứng xử hằng ngày, đặc biệt là với các mầm non còn uốn nắn được.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm