Hộ khẩu ‘ám ảnh’ chúng tôi!

Cậy là chủ hộ, “hành” vợ cũ

Tôi được tòa cho ly hôn và nuôi đứa con tám tuổi. Hai mẹ con tôi đã dọn về nhà ngoại ở huyện Củ Chi sinh sống. Tôi và con có chung hộ khẩu với chồng cũ, anh ấy đứng tên chủ hộ nên giữ luôn hộ khẩu bản chính không cho tôi mượn để làm thủ tục cắt hộ khẩu. Năm lần bảy lượt hỏi mượn hộ khẩu không được nên tôi nhờ Công an quận 12, TP.HCM (nơi đăng ký thường trú cũ) giúp đỡ cấp giấy chuyển đi nhưng do không có bản chính nên họ cũng không làm được.

Tôi phải nhờ công an khu vực giúp. Ban đầu, anh công an nói chuyện này là nội bộ trong nhà; hơn nữa, chủ hộ có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho những người cùng có tên trong hộ khẩu được sử dụng sổ để giải quyết các công việc theo quy định của pháp luật. Sau đó, thấy tôi tới lui nhiều lần mà không thuyết phục được chồng cũ nên anh công an khu vực hỗ trợ, đến vận động chồng tôi.

Nhưng người chồng vẫn không chịu, chỉ cho bản phôtô. Tôi thật sự hoang mang. Nhờ sự kiên trì thuyết phục của công an khu vực, cuối cùng chồng cũ của tôi mới chịu đưa bản chính hộ khẩu cho công an (chứ không đưa cho tôi) và buộc phải trả ngay trong ngày. Trong buổi sáng đó, tôi phải chạy bở hơi tai để làm cho xong thủ tục tách - chuyển hộ khẩu. Cũng may tôi được công an giúp đỡ, nếu không thì tôi không biết phải làm sao để xin cho con nhập học nơi ở mới.

NGUYỄN THỊ MƯỜI (Huyện Củ Chi, TP.HCM)

Vay vốn không được, mua bảo hiểm không xong

Tôi từ Hải Dương vào Nam. Vợ chồng tôi chắt bóp mua được miếng đất nhưng bị vướng quy hoạch giải tỏa nên không làm được giấy tờ nhà, kéo theo cái hộ khẩu bị “treo” khiến việc học hành, sinh hoạt của gia đình bị đảo lộn. Hơn hai năm trước, tôi chẳng may bị tai nạn lao động, thương tật 31%. Tất thảy thu nhập của vợ tôi khoảng 4,5 triệu đồng nhưng giá điện phải trả là 6.000 đồng/kWh, cả nhà dùng nước giếng, giếng bị cạn nước nên lại phải mua nước máy giá 100.000 đồng/m3.

Khó khăn chỗ ở, tăng gánh nặng chi phí việc sinh hoạt đã đành, việc học hành của con cũng khổ ải. Nhà trường đòi hỏi phải có hộ khẩu hoặc KT3 mới được vào học trường công. Đó là chưa kể gia đình tôi rơi vào tình cảnh khó khăn nhưng không được vay vốn tại địa phương, không được xét hưởng chế độ dành cho hộ nghèo nơi tạm trú do chưa có hộ khẩu.

Một số bạn bè của tôi cũng bị chủ nhà trọ không mặn mà đứng ra bảo lãnh cho đăng ký KT3. Trong khi đó, từ xin việc làm đến mua BHYT khám chữa bệnh, mua xe máy đi lại, vay vốn làm ăn… đâu cũng đòi hỏi hộ khẩu, KT3.

VŨ VĂN MIỀN (Công nhân tại KCN Hố Nai 3, Đồng Nai)

Thiếu hộ khẩu, phải quà cáp đi lại

Tôi quê ở Nam Định, rời quê lên Hà Nội, tạm trú tại Cầu Giấy, làm nghề buôn sắt vụn, phế liệu. Năm 2012, tôi đem cả vợ con lên cùng tạm trú tại một phường giáp ranh quận Nam Từ Liêm. Năm 2014, chuẩn bị cho con gái nhỏ vào lớp 1, thú thật tôi cố gắng làm mọi cách để được nhập hộ khẩu vào Hà Nội nhưng không được vì không có người bảo lãnh. Đến tháng 6-2015, tôi xin cho con vào học lớp 1 tại một trường tiểu học. Quà cáp, đi lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng xin được cho con mình nhập học với giá 10 triệu đồng.

TVT (TP Nam Định)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm