Hợp lực ‘săn’ tội phạm trên mạng xã hội

Một thương hiệu lớn từng lâm vào khủng hoảng truyền thông từ Facebook. Đó không phải là thông tin xác thực, nó được lan truyền thông qua góc nhìn của những facebooker có lượng người theo dõi và chia sẻ nhiều. Lãnh đạo của thương hiệu này nói với tôi rằng họ đánh giá sai tác động từ Facebook. Họ chưa bao giờ có ý định nghĩ đến một kế hoạch truyền thông trên Facebook. Tôi chia sẻ những gì mình biết nhưng xác định mình không có ý định làm truyền thông cho bất cứ đơn vị nào. Đó là câu chuyện cách đây đã gần hai năm.

Phát hiện tội phạm nhờ Facebook

Chỉ sau hai năm ngắn ngủi, Facebook đã chứng minh sự lan tỏa thông tin của nó, cả thông tin tốt và xấu, chính xác và không chính xác. Các cơ quan quản lý đã có những chấn chỉnh đối với các facebooker loan truyền thông tin không chính xác và đây là điều đúng đắn.

Tuy nhiên, thế mạnh của thông tin trên mạng xã hội chưa được nhìn nhận đúng mức. Tôi cho rằng đây là điều cực kỳ phung phí. Tuần này, có hai sự việc đi từ thông tin trên Facebook đến thông tin trên báo chí. Thứ nhất, clip xẻ thịt trâu chết tại Bình Dương; thứ hai là vụ một đối tượng người Việt xâm hại trẻ em ở Campuchia.

Cả hai vụ việc này đều được đưa lên Facebook trước khi báo chí đưa tin. Đặc biệt, dư luận bày tỏ sự căm phẫn, bức xúc ở vụ việc thứ hai. Đối tượng Nguyễn Thành Dũng hành hạ một em bé người Campuchia trong đồn điền ca cao thuộc quốc gia này, sau đó ghi hình lại. Clip bị một facebooker phát hiện, tung lên mạng, ngay lập tức tạo nên cơn địa chấn thông tin. Cơn địa chấn này không gói gọn trong lãnh thổ Việt Nam mà nhanh chóng lan sang những người sử dụng mạng xã hội tại nước bạn. Một kế hoạch triệt phá đường dây ấu dâm, lạm dụng trẻ em được Cảnh sát Hoàng gia Campuchia xác lập. Những đối tượng tình nghi cung cấp trẻ em để các đối tượng khác lạm dụng bị lộ diện, bị bắt. Tại Việt Nam, Nguyễn Thành Dũng bị cộng đồng người sử dụng Facebook truy tìm rất gắt gao. Kẻ này đã bị các điều tra viên trực thuộc C45B, Bộ Công an bắt giữ vào tối 7-12.

Nếu những hình ảnh này không được tung lên mạng xã hội, sẽ không ai biết được nhóm của Nhí Tino đã đánh một nữ sinh tàn bạo như thế nào. (Ảnh cắt từ clip)

Trở thành công cụ giám sát xã hội

Từ lâu Internet và mạng xã hội đã trở thành công cụ tìm kiếm thông tin, công cụ liên lạc và bày tỏ quan điểm. Bỏ qua những mặt tiêu cực đã được đề cập nhiều, nó đang dần trở thành công cụ phản ánh và giám sát xã hội. Những chuyện tiêu cực như nữ sinh đánh nhau, bảo mẫu hành hạ trẻ, nhũng nhiễu khi thực thi công vụ, “hôi của” trên đường… đến những hình ảnh, thông tin tích cực như cảnh sát giao thông giúp dân, người dân chung tay giúp khách du lịch gặp nạn… đã được đưa lên mạng xã hội. Qua đó, cộng đồng mạng nhận diện những nét đẹp cần được nhân rộng, những điều đáng phê phán, cùng tham gia lan truyền và mạnh mẽ yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý những hành vi vi phạm hoặc kêu gọi nhau lên án những việc làm trái đạo đức.

Có nhiều facebooker chú ý lùng tìm các thông tin tội phạm để lên án, cảnh báo. Tôi tin rằng nếu nhìn họ bằng thái độ nghiêm túc, minh định và đặc biệt là sòng phẳng thì các nhà quản lý sẽ tìm ra cách thức hợp tác với họ để thúc đẩy tiến trình truy tìm đối tượng đối với những thông tin nóng, vụ việc nghiêm trọng. Trang Facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng đã kết nối với các facebooker xử lý được nhiều vụ vi phạm giao thông, môi trường do dân tố giác, phản ánh và đó chính là hiệu ứng tích cực từ mạng xã hội. Sử dụng kênh thông tin trên Facebook đối với nhiều cơ quan chức năng là điều nên được nghĩ đến, như fanpage của Văn phòng Chính phủ hoặc của bộ trưởng Bộ Y tế chẳng hạn.

• Sáng 5-12, xác một con trâu bị tai nạn trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn (đoạn qua phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An, Bình Dương) bị một nhóm người tranh nhau xẻ thịt. Vụ việc được người dân quay lại clip, đăng trên trang Facebook Dũng Đinh. Clip nhanh chóng thu hút sự quan tâm, bức xúc của cư dân mạng. Công an địa phương đã vào cuộc làm rõ những người tham gia xẻ thịt trâu để xem xét xử lý.

• Cuối tháng 10, một clip được facebooker đưa lên mạng, trong đó nhóm “giang hồ nhí” của Nhí Tino, Bà Dãnh đã đánh và bắt một nữ sinh liếm chân. Công an huyện Nhà Bè đã mời 14 người liên quan đến trụ sở làm việc.

• Ngày 24-10, trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh một cô giáo mầm non tát mạnh vào miệng một trẻ. Ông Nguyễn Thanh Liêm, Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè, Trà Vinh, cho biết qua xác minh, vụ việc xảy ra tại Trường Mầm non thị trấn Cầu Kè. Cô giáo đánh trẻ đã nhận lỗi và ngay lập tức bị đình chỉ công tác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm