Hưởng giá trị nhà ở

Nay ba người con làm giấy ủy quyền cho tôi lập hồ sơ xin giấy chứng nhận nhà và đất đứng tên tôi. Vậy tôi cần phải có những giấy tờ gì để hoàn tất hồ sơ?

Nguyễn Văn Sự (paulsu391@...)

Luật sư TRẦN THỊ MIỀN trả lời: Theo quy định tại luật số 34/2009/QH12 ngày 18-12-2009 (sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 Luật Đất đai), người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam. Gồm có: Người có quốc tịch Việt Nam; người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước... Trường hợp tặng cho, để thừa kế cho đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam nêu trên thì đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở.

Theo đó, ba người thân của ông đang định cư ở nước ngoài không thể căn cứ vào giấy chủ quyền nhà và di chúc của người cha để ủy quyền cho ông làm thủ tục cấp giấy chủ quyền nhà, đất mang tên ông. Nếu không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và không thể về nước, họ có thể ủy quyền cho một người trong nước đi khai nhận di sản là nhà, đất của cha chết để lại rồi sau đó làm thủ tục chuyển nhượng cho ông giá trị nhà ở, đất ở đó. Tiếp đó, ông mới có thể liên hệ với UBND quận để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận nhà, đất mang tên ông.

Bị cưỡng chế giao đất

Tôi bị mẹ tôi kiện đòi lại đất và tòa án hai cấp sơ thẩm, phúc thẩm đã xử tôi thua kiện. Do không đồng ý nên tôi đã gửi đơn khiếu nại lên TAND Tối cao. Trong thời gian chờ đợi TAND Tối cao giải quyết, cơ quan thi hành án (THA) huyện đã nhiều lần vận động tôi ký tên giao đất cho cha mẹ nhưng tôi không chịu. Thay vào đó, tôi đưa cho chấp hành viên xem giấy báo đã thụ lý đơn của TAND Tối cao nhưng họ vẫn quyết định THA. Cuối năm 2012, họ đã đến nhà tôi để tổ chức cưỡng chế THA. Họ làm vậy đúng hay sai?

Nguyễn Văn Lượng (Long An)

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO trả lời: Theo khoản 2 Điều 48, khoản 1 Điều 49 Luật THA dân sự, việc hoãn THA được thực hiện khi có văn bản yêu cầu hoãn THA của người có thẩm quyền kháng nghị bản án. Việc tạm đình chỉ THA cũng chỉ được thực hiện khi có quyết định tạm đình chỉ THA của người có thẩm quyền kháng nghị bản án.

Trong trường hợp của ông, chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao là những người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án của tòa án tỉnh. Nếu hai vị này không gửi những văn bản trên cho Chi cục THA dân sự huyện thì chi cục có nhiệm vụ tổ chức cưỡng chế THA theo thẩm quyền.

TP ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm