Im lặng không thể chống bạo lực học đường

Đọc xong bài “Khéo khuyên giải để giảm bạo lực học đường” (Pháp Luật TP.HCM ngày 15-3), tôi nghĩ đến một khía cạnh khác không kém phần quan trọng của vấn đề: đó là sự tích cực góp sức của phụ huynh để chống bạo lực học đường.

Đầu năm học mới, chị đồng nghiệp hớn hở khoe vừa mua cho con chiếc xe đạp để con tự đi học. Chưa lâu lại nghe chị buồn rầu thông báo: “Không xong rồi, từ giờ lại phải tiếp tục chở con đi học thôi”. Tôi rất ngạc nhiên vì ai cũng biết bé Th. con chị rất lanh lợi, tự lập và học rất giỏi. Cháu đang học lớp 6 tại một trường điểm nổi tiếng ở quận 3. Gần đây, không hiểu sao điểm số của bé Th. rất thấp trong khi những năm học trước bé liên tục là học sinh đứng đầu lớp. Lo lắng chương trình học quá khó, chị đồng nghiệp dự tính sẽ cho bé đi học thêm thì bé từ chối viện lẽ vẫn hiểu bài. Bé cho biết mình không được điểm cao do phải “phao bài” (đưa đáp án bài) cho bạn. Bé nói trong lớp bé (và các lớp khác) có một nhóm bạn chuyên bắt nạt các bạn khác. Đến giờ thi, các bạn học giỏi phải “phao bài” cho những bạn này và bản thân mình cũng không được có điểm cao quá, nếu không sẽ bị đánh. Bé cũng cho biết trong lớp bé hiện có một bạn cũng đang bị các chị lớp 8 tìm đánh do bạn này có… người anh không chịu “phao bài”.

Im lặng không thể chống bạo lực học đường ảnh 1

Phụ huynh cần thường xuyên tìm hiểu thông tin của con em ở trường để tránh các vụ bạo lực học đường nếu có xảy ra. Ảnh minh họa: HTD

Cũng theo chị bạn đồng nghiệp, mấy hôm xem trên mạng Internet và báo chí các clip những học sinh nữ đánh nhau, bé Th. nói rằng chuyện đó xảy ra rất thường ở nhà vệ sinh trong trường của bé. Có hôm bé và các bạn đi vệ sinh thì thấy mấy chị lớp 8 xúm lại đánh một chị khác. “Cả nhóm đánh chị kia dúi dụi xuống nền nhà vệ sinh y như clip trên mạng, chỉ là không quay phim lại thôi. Khi mấy chị kia bỏ đi, tụi con đã dìu chị bị đánh về lớp học...” - bé Th. kể. Chị bạn tôi hỏi sao con không đưa chị bị đánh xuống phòng giám thị để báo cho thầy cô biết thì bé trả lời: “Trước khi bỏ đi, mấy chị chỉ mặt tụi con và nói đã biết hết mặt và số phù hiệu của tụi con rồi. Nếu ai méc mai sẽ bị tìm đánh. Nếu chị bị đánh đi méc thì mai cũng bị đánh tiếp…”.

Cuối cùng, chị bạn tôi quyết định không cho bé Th. tự đạp xe đi học nữa. Chồng chị ấy sẽ đưa đón con mỗi ngày, hy vọng những học sinh kia thấy cha bé to cao mà ngại không dám đụng đến bé.

Từ câu chuyện của chị bạn tôi có thể thấy rằng có một số phụ huynh đang chọn giải pháp im lặng để giải quyết vụ việc. Điều này vô tình tiếp tay cho bạo lực học đường ngày một gia tăng. Tại sao người lớn không có sự can thiệp tích cực để giúp các cháu đi đúng hướng nhằm phòng tránh hậu quả nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng tới cả cuộc đời, nhân cách các cháu sau này?

Theo tôi, phụ huynh nên chủ động tìm hiểu thông tin về con mình ở trường, không nên giao phó hoàn toàn cho nhà trường. Trong mọi trường hợp, các bậc phụ huynh nên đến gặp, trao đổi với nhà trường, với cả phụ huynh của những em có những hành vi bạo lực. Phụ huynh không nên vì lo sợ con mình bị trả thù mà im lặng cho qua bởi sự thụ động này càng làm sự việc thêm trầm trọng và các cháu cũng không hiểu việc mình đang làm là sai trái để kịp thời dừng lại trước khi quá muộn.

LÊ KHOA (khoak19@yahoo.com)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm