Kẻ yếu thế cô đơn

Xấp vé số rơi xuống đường, cả chiếc điện thoại “cùi bắp” cũng từ trong túi ông cụ rớt ra, bật nắp, pin một nơi máy một nẻo. Chiếc xe máy kéo ga phóng đi, bỏ mặc cụ lặng lẽ lượm lặt, thu gom vé số và điện thoại lại. Một cậu sinh viên ra giúp ông dựng xe lên, nhanh chóng di chuyển ra khỏi vòng xoay nguy hiểm.

Dù bị ngã nhào nhưng lạ là ông cụ không hề càu nhàu, khó chịu, khuôn mặt không biến đổi ngoại trừ có thêm những giọt mồ hôi. Tôi thắc mắc phải chăng ông đang tự ti vì thân phận nghèo khó, đi chiếc xe đạp cọc cạch giữa dòng chảy sang trọng của biết bao xe hơi, xe tay ga đắt tiền mà không phản ứng hay chửi bới gì hay không? Dừng lại mua giúp ông tờ vé số, tôi hỏi ông có sao không thì ông nói: “Không sao, may mà không bị xe phía sau đụng phải”. Tôi lại hỏi sao ông không hô lên để chiếc xe máy kia dừng lại, ông trả lời: “Người ta có việc nên vội đi, mình bán vé số thì từ từ cũng được”.

Những chiếc xe đạp hiện nay đang hiếm dần ở đô thị. Những vòng quay chậm chạp dù đã đi nép lề đường nhưng vẫn thường bị xe sau bấm còi thúc giục hoặc cảnh báo “chớ có cản đường”. Dường như xe đạp đang bị coi thường, đang được mặc định cho người dân nghèo sử dụng. Bao chiếc xe đã bé nhỏ càng bị chèn ép hơn, đã vậy còn chịu đựng cái nhìn phân biệt từ người đi các phương tiện khác.

Trừ những em học sinh đến trường, vận động viên đua xe tập luyện thì đa phần là những người dân khó khăn đang mưu sinh bằng xe đạp như bán vé số, thu mua ve chai, các bà các chị lao công... Khi ông cụ trên té ngã, tôi đã không thấy một chiếc xe máy nào dừng lại. Tôi bỗng cảm thấy những người nghèo, những người yếu thế đang rất cô đơn trong xã hội ngày một phát triển này. Mong rằng những người yếu thế không bị gạt ra ngoài, bị từ chối được thụ hưởng lợi ích chung từ một xã hội văn minh hơn với những con người giàu lòng nhân ái. Mong rằng người giàu nhìn thấy những bước chân chậm chạp, e dè của người nghèo để cùng nâng đỡ, cho họ cơ hội cùng tiến tới.

* Ảnh: Reuter

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm