Kéo dài kỳ nghỉ lễ, Tết chỉ có lợi cho công chức, viên chức?

Kéo dài kỳ nghỉ lễ, Tết chỉ có lợi cho công chức, viên chức? ảnh 1
Đường hoa Nguyễn Huệ, TPHCM

Ngay khi khởi đăng diễn đàn Hoán đổi ngày làm việc để nghỉ lễ, Tết kéo dài: Tiện cho ai?, PLO đã nhận được rất nhiều ý kiến bức xúc của bạn đọc gửi về chia sẻ. Các ý kiến chia làm hai phe “bất phân thắng bại” về việc nên hay không nên hoán đổi ngày làm việc để kéo dài ngày nghỉ các dịp lễ, Tết.
Đem lại sự đoàn tụ hạnh phúc
Những bạn đọc đã có gia đình với con cái đã lớn; bạn đọc là cán bộ, công chức nhà nước thì hầu hết đều vui mừng khi biết lễ Tết sẽ được nghỉ dài ngày.
Bạn Duyen NguyenMai Hoàng Châu hoan hỉ: “Nghỉ dài ngày nhà nhà đều vui, nước lên thuyền lên, tự động mọi thứ sẽ điều chỉnh theo, vui vi được nghỉ nhiều”, “Cả đám bạn tôi ai cũng thích hoán đổi ngày nghỉ để được nghỉ dài ngày với gia đình dù không đi du lịch”.
Bạn Trần Đức Phượng khen ngợi ngay “Dẫu sao cũng có tiến bộ, là nghỉ ngày nào năm 2015 thì có kế hoạch trước (giống nước ngoài), không phải nghỉ có vài ngày trong năm mà phải ra thông báo nhiều lần, tốn tiền giấy mực, công sức".
Bạn đọc tên Thy chia sẻ: “Theo tôi việc gộp ngày lễ là rất hay vì như vợ chồng tôi làm việc ở Tp.HCM nhưng quê lại ở tỉnh, mỗi năm tranh thủ lắm cũng chỉ về quê được mấy ngày tết. Tuy nhiên việc tàu xe đi lại phải mất vài ngày nên cũng chẳng được ở lại quê nhiều. Nếu năm tới chính phủ quyết định cho nghỉ gộp lại như vậy thì chúng tôi sẽ có cơ hội cho con về quê chơi được lâu hơn để con cái chúng tôi được gần gũi ông bà hơn thì tuyệt”.

Kéo dài kỳ nghỉ lễ, Tết chỉ có lợi cho công chức, viên chức? ảnh 2
Tết sum họp, đoàn tụ gia đình 

Bạn M. Hương cũng đồng ý: “Nghỉ gộp như thế này rất Ok, mình thì không ham gì nghỉ lâu đâu, nhưng mình có con nhỏ. Mà con cũng nghỉ theo lịch của các cô giáo. Như vậy mình có thể chăm sóc con những ngày nghỉ. Nghĩ tới tết năm trước mà sợ, mẹ nghỉ 1 tuần, con nghỉ 12 ngày mà không gửi cho ai coi để đi làm được. Ngất ngư con cá ngừ”.
Bạn Chân Trần nêu mong muốn “Em muốn nghỉ dài ngày. Choàng việc nhau để thay phiên nghỉ. Cả năm mới được xả hơi với gia đình, quê hương 1 đợt mà”.
Bạn đọc Mẹ Sóc gửi mail thật thà “Là một bà mẹ, đi làm cả năm rất chăm chỉ, nên Sóc thích nghỉ Tết (và nghỉ gì nữa được hưởng lương) dài dài. Thời gian dành cho gia đình không có trong năm rồi, nghỉ dài dài tái tạo sức lao động, chơi với con, hỏi han ông bà, nấu ăn “tra tấn” với bạn bè, họ hàng…mà có khi chỉ Tết mới gặp. Sóc không bàn vĩ mô xa xôi với chỉ số kinh tế này kia, cái gì dính đến quyền lợi/ lợi ích trước mắt của mình thì tính thôi”.
Bạn tên Trang cũng nhất trí: “Tôi thấy gom lại cho nghỉ dài ngày như vậy là sáng suốt nhất. Cả năm đi làm cắm mặt, cắm mũi, không ngơi nghỉ, khi được nghỉ lại nghỉ được 2,3 ngày thì làm được việc gì? rồi lại đi làm. Được nghỉ lễ dài ngày, người lao động có thời gian phục hồi sức khỏe (việc chọn ở nhà hay đổ ra ngoài đường là quyết định tự mỗi người, không thể đổ thừa do nghỉ lễ dài được). Không những thế, nghỉ lễ dài ngày cũng là một cách thúc đẩy tiêu dùng, làm giàu đất nước, sao có thể nói không tốt được nhỉ”.
Bạn Lê Thành đồng ý: “Tôi đề nghị hoán đổi, như vậy sẽ có nhiều thời gian hơn, lên kế hoạch làm gì cũng dễ, tàu xe máy bay cũng dễ book hơn là nghỉ ngắn ngày. Vì đằng nào thì những ngày đó dân tình cũng chộn rộn chuẩn bị tết. Ai có con cũng phải trải qua giai đoạn khó khăn khi con nhỏ, rồi khi con cái lớn lên cả nhà có dịp đi nghỉ dài ngày với nhau, cuộc sống cứ thế xoay vần, xem như cũng công bằng. Còn nghỉ lắt nhắt, ngày nghỉ ngày làm cũng mất chừng đó thời gian mà chả làm được gì”.

Kéo dài kỳ nghỉ lễ, Tết chỉ có lợi cho công chức, viên chức? ảnh 3
 

Bạn trẻ Huyền Đặng thì ngắn gọn: “dân phượt thích điều này”.
Đặc biệt, bạn Xuân Phương thì hỉ hả:”Đây là một quyết định, chiến lược sáng suốt, nhằm thu hút nguồn tài chính cho DN và đất nước. Đồng thời đem lại sự đoàn tụ hạnh phúc cho nhân dân".
Bạn Điền Bá Quang lạc quan: “Nghỉ tết, lễ dài ngày ngoài việc có lợi cho người lao động còn là dịp để cho doanh nghiệp và nền kinh tế phát triển (kích cầu). Lượng hàng hóa bán ra của doanh nghiệp và nông dân trong dịp lễ, tết có khi bằng cả năm cộng lại. Nhìn tổng thể thì nghỉ lễ tết dài ngày có lợi nhiều hơn. Nếu đất nước phát triển thêm thì mỗi tuần chỉ nên làm việc 4 ngày và có thêm ngày nghỉ đông (cho miền Bắc) và nghỉ hè (cho miền Nam).
Nghỉ quá nhiều gây ảnh hưởng nền kinh tế
Tuy nhiên, với số lượng không kém, rất nhiều ý kiến không đồng tình về việc hoán đổi để kéo dài ngày nghỉ lễ Tết. Nhiều bạn đọc cho rằng, nghỉ kéo dài làm trì trệ nền kinh tế, giảm năng suất lao động, làm nghèo đất nước, chưa kể, việc hoán đổi ngày làm việc còn khiến ngày làm việc bù không hiệu quả, đi làm cho có.
Ý kiến nhận được nhiều like nhất là của bạn Công Việt: “Bộ luật Lao động đã quy định thì cứ vậy mà thực hiện sao phải hoán đổi. Có tiền muốn đi du lịch thì đã có nghỉ phép năm sao cứ phải đi vào ngày lễ? Tết Nguyên Đán nghỉ 5 ngày là quá đủ rồi. Khi thực hiện theo đúng Luật qui định thì mỗi người sẽ có kế hoạch cho cả năm thay vì cứ phải chờ xem năm nay được nghỉ thế nào. Sản xuất kinh doanh không bị đình trệ vì nghỉ dài ngày quá. Điều quan trọng nhất là Luật phải được thực hiện nghiêm chỉnh. Đã là Bộ Luật Lao động qui định rồi mà mỗi năm lại thực hiện mỗi khác làm mất đi cả tính tôn nghiêm của luật pháp”.
Bạn Sơn Thảo ưu tư: “Nghỉ dài chỉ sướng thân công chức, cán bộ nhưng hậu quả với nền kinh tế thì ai cũng biết. Vậy mà qui định vẫn được đưa ra vì qui định chỉ nghĩ đến người nhà nước sống trên tiền thuế của dân mà cố tình quên đi kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khủng hoảng nặng nề. Người sản xuất, làm ăn hay người nước ngoài có quan hệ kinh tế với VN thì nghĩ "đã nghèo còn làm biếng". Nói chung thì Luật lệ qui định của nước ta ít nghĩ và quan tâm đến người làm ăn, đến nền kinh tế vì nó do công chức nhà nước đặt ra”. Ý kiến này cũng nhận được rất nhiều sự đồng tình.
Bạn Thanh Tam lo lắng “Nghỉ Tết cổ truyền hiện nay thực sự ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, xã hội Việt Nam. Các hủ tục như đốt vàng mã quá nhiều, cúng bái, cầu tài, cầu lộc đầu năm liên tục phát triển. Đặc biệt ở nước ta, giao thông kém phát triển nên cả nước Nghỉ Tết cổ truyền làm cho giao thông vô cùng khó khăn khi những dòng người từ thành phố đổ về quê ăn Tết và đổ về thành phố sau Tết. Tai nạn giao thông tăng đột biến, các doanh nghiệp lo sốt vó vì phải đi gặp gỡ các cơ quan quản lý, chức năng trong dịp Tết Tây rồi Tết ta. Công nhân cũng đau đầu lo sắm Tết”.
“Không nên hoán đổi ngày làm việc để kéo dài ngày nghỉ lễ, Tết. Nên nghỉ và làm việc đúng theo Bộ Luật Lao động đã quy định. Ngày làm bù, theo tôi là không không hiệu quả. Rất tiếc là chưa có khảo sát, điều tra xã hội học để đánh giá việc nghỉ dồn, làm bù là tốt hơn, hay nghỉ đúng quy định là tốt hơn. Như ở các bệnh viện: Các ngày nghỉ dồn, chỉ có số cán bộ trong phiên trực giải quyết khám chữa bệnh thì không thể nói nghỉ dồn là tốt hơn được. Ngày làm việc đầu tiên của đợt nghỉ,số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tăng cao, gây chờ đợi lâu...” bạn Đặng Luôn nêu ý kiến

Kéo dài kỳ nghỉ lễ, Tết chỉ có lợi cho công chức, viên chức? ảnh 4
Nghỉ tết về quê 

Bạn Hoa Lương than thở: Nghỉ nhiều đối với những gia đình khá giả, có điều kiện đi chơi thì ok. Còn gia đình khó khăn, nghỉ việc gắn liền với không có thu nhập thì buồn lắm, vì không có thu nhập thì tiền đâu mà ăn chứ nói gì đến liên hoan, du lịch”. Bạn cũng kêu “không trường mầm non hay cấp 1 nào học bù thứ 7 hết, đi làm bù con gửi ai đây?”.
Đồng tình, bạn đọc với nick Mẹ Nấm cũng than “Thiên hạ nghỉ mà mình không nghỉ thì cũng như không. Con nghỉ, mình không được nghỉ thì ai trông con? Đâu phải ai cũng có quê để mà đưa con về? Chưa kể, đâu có người dân nào mà nhớ được thứ bảy này làm bù,, thứ bảy kia nghỉ bù.... Ôi trời”.
Có bạn đọc cũng cho rằng việc nghỉ lễ tết nhiều ngày làm ảnh hưởng không tốt đến sinh hoạt, học tập của các cháu nhỏ. Phát sinh tệ nạn như ăn chơi, đua xe, cờ bạc... làm mất an ninh, trật tự xã hội. “Theo tôi nghỉ bốn ngày là vừa, đừng dồn vào một lần thêm phức tạp” Bạn CLB đề xuất.

Kéo dài kỳ nghỉ lễ, Tết chỉ có lợi cho công chức, viên chức? ảnh 5
Ùn ùn về quê ăn Tết 

Đồng ý, bạn Thừa Hùng, Nhất Định cũng cho rằng nghỉ lễ dài ngày còn là nguyên nhân khiến tai nạn giao thông gia tăng. “Nên học theo thế giới, mỗi năm có 3-4 tuần nghỉ phép phải lên lịch từ đầu năm. Còn lại thì chỉ nghỉ vài ngày thôi, Tết cho 4 ngày, trùng T7, CN ráng chịu”.
“Nghỉ nhiều quá thì khi quay trở lại làm việc lại tạo tâm lý chây lười cho người lao động. Các dịp nghỉ dài trong năm nên hạn chế một số ít lần. Nghỉ dài năng suất giảm, làm chả thấy toàn thấy ăn chơi” bạn Tấn Thanh ưu tư. 

Chơi hết mình, làm nghiêm túc

Việc nghỉ dài hay nghỉ ngắn dịp lễ Tết mỗi người đều có lý do riêng phù hợp với hoàn cảnh của mình. Người có gia đình, con cái đùm đề, quê ở xa, sinh viên thì mong muốn được nghỉ nhiều ngày để tranh thủ nghỉ ngơi, chăm sóc con cái, gia đình, về thăm quê…

Nhưng những công nhân lương ít, người độc thân thì lại không muốn kéo dài ngày nghỉ lễ. Vì nghỉ kéo dài đồng nghĩa với việc không có việc, không tăng ca, nghĩa là không có tiền. Người độc thân nghỉ nhiều cũng… chán, không biết làm gì nên muốn đi làm cho vui .v.v..

Ngoài ra, việc nghỉ lễ, Tết nhiều còn ảnh hưởng đến các giao dịch, ký kết làm ăn với các công ty nước ngoài của các công ty trong nước hay các công ty nước ngoài thuê công nhân Việt Nam. Không dưng công ty phải “án binh bất động” không sản xuất gần nửa tháng, thiệt hại là không nhỏ chút nào…

Bạn ở nick nguoinguyhiem cho rằng “công chức mình lười, làm thì ít mà nghỉ thì nhiều. Nên tập trung vào giải pháp cắt bớt biên chế thì nên hơn. Tôi thấy mọi cơ quan nhà nước khi nghỉ càng dài ngày thì ăn chơi nhiều hơn, không tập trung công việc. Mỗi đợt nghỉ là y như sau đó vô đi làm cũng như không. Sau và trước mỗi đợt nghỉ lễ công chức đều nghỉ trước đó khá lâu, công việc dường như không giải quyết mà chỉ tập trung ăn chơi nhậu nhẹt, đàn đúm. Vậy thì nghỉ dài và nghỉ ít ngày quan trọng gì, quan trọng là chấn chỉnh lề lối làm việc của công chức. Tinh gọn bộ máy này để nó hoạt động hiệu quả hơn thôi”.

Nhất trí, bạn Minh Nhựt cũng khẳng định “Thay vì mổ xẻ vấn đề nghỉ Tết nhiều hay ít, nên làm sao cho guồng máy kinh tế vận hành tốt, điều động chính sách phát triển hợp lý, dẹp bỏ tham ô lãng phí, tạo cơ hội cho mọi người cùng có sân chơi bằng phẳng làm ăn, thì cả nước có đóng cửa ăn Tết chục ngày cũng chẳng phải là vấn đề phải bàn”.

Đồng quan điểm, bạn Hương nhận xét: “Làm cho ra làm, chơi thì cứ chơi. Dài hay ngắn vài ngày đâu có quan hệ. Dẫn chứng là tất cả chúng tôi (các doanh nghiệp tư nhân ấy ạ), thì đâu có Tết. Sáng mồng 1, đêm 30 vẫn chat, vẫn e-mail với khách nước ngoài như thường. Rượu rót ra thì cứ mặc kệ. Cho nên Thủ tướng có cho nghỉ thêm nữa thì tự mình cũng không cho phép mình nghỉ”.

 “Cứ làm cho tốt những ngày làm việc và nghỉ cho đã những ngày được nghỉ là hay nhất. Những người tán thành và không tán thành đều có lý có tình cả. Tranh cãi là vì ở ta làm ăn nhênh nhang, qui định nào cũng bị méo xẹo, lạm dụng nó mới ra thế. Cứ nghỉ cả dương lịch, âm lịch nhưng thay phiên nhau mà làm (thật nghiêm túc) thì chắc cũng vẫn vui và vẫn được việc” bạn Nguyễn Điền gút.

Với những ý kiến đã nêu trên, bạn đồng quan điểm với bên ý kiến nào? Bạn có ý kiến đề xuất gì về việc này? Xin góp ý vào phần Ý kiến bạn đọc ở bên dưới, chúng tôi luôn hoan nghênh những đóng góp của bạn đọc với mong muốn cùng góp phần xây dựng chính sách pháp luật ngày một hoàn thiện, dân sinh hơn.

 

“ Ở các nước phát triển tại Âu châu, người ta không đồng loạt đóng cửa nghỉ Tết chục ngày, nhưng những người đi làm được hưởng 26-30 ngày phép hằng năm, có thể sắp lịch trình bỏ việc đi chơi theo ý mình. Mùa hè tại Paris vắng lặng hẳn như ngày Tết tại Sài Gòn, dân Paris về đồng quê hay ra miền biển tránh nóng, chỉ có du khách tấp nập vào Paris. Tụi tây đầm vừa đi phép về đã háo hức lập kế hoạch cho chuyến nghỉ hè kỳ sau. 

Dân Mỹ nổi tiếng làm việc chết bỏ, nhưng công ty của tôi hằng năm đóng cửa nghỉ từ lễ giáng sinh đến hết Tết Tây, tính ra cũng gần chục ngày, buộc mọi người lấy phép ở nhà, cũng chẳng thấy thiệt hại gì đến thu nhập của ông chủ. Kinh tế phát triển có qui hoạch, xã hội có cơ chế hoạt động vững vàng, thì nghỉ ít hay nhiều ngày không hại việc chung. Bạn Minh Nhựt”

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm