Kháng nghị quá hạn vẫn được chấp nhận (!?)

Năm 1976, bà Nguyễn Thị Phương Nga (ngụ xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) có chung sống với ông Hoàng Hà (ngụ phường 15, quận 10) và có ba người con. Sau đó, do mâu thuẫn nên bà Nga bỏ đi. Gần 20 năm sau, bà Nga trở về đòi ly hôn và phân chia tài sản.

Một vụ ly hôn đơn giản

Thời điểm đó, ông Hà đang cho người khác thuê nhà. Người thuê đã bỏ ra nhiều chi phí tu sửa căn nhà và cũng được mời tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tại phiên tòa sơ thẩm trong các ngày 18 và 24-9-2007, TAND quận 10 đã tuyên xử phân chia căn nhà thành năm phần đều nhau cho ông Hà, bà Nga và ba đứa con (sau khi trừ chi phí mua hóa giá và sửa chữa nhà). Riêng người thuê nhà nêu trên vắng mặt tại phiên tòa.

Ngày 1-10-2007, TAND quận 10 chuyển bản án sơ thẩm sang VKSND quận 10. Cơ quan này không có ý kiến gì nhưng vào ngày 1-11-2007, VKSND TP.HCM đã ra quyết định kháng nghị bản án trên theo thủ tục phúc thẩm. Lý do được nêu ra: TAND quận 10 đã có sai sót về mặt tố tụng lẫn nội dung. Cụ thể: thời gian mở phiên tòa không đúng với thời gian ghi trong quyết định hoãn phiên tòa. Trong quyết định đưa vụ án ra xét xử, thời gian mở phiên tòa là lúc 8 giờ ngày 27-8-2007. Đến ngày đó, do vắng mặt người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nên hội đồng xét xử đã ra quyết định hoãn phiên tòa. Thông báo gửi các đương sự ghi thời điểm mở lại phiên tòa là lúc 14 giờ ngày 18-9-2007. Thế nhưng biên bản phiên tòa lại ghi thời điểm này là 8 giờ cùng ngày. Ngoài ra, bản án chưa giải quyết thỏa đáng quyền lợi của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Quyết định kháng nghị trên được TAND TP.HCM chấp thuận. Ngày 4-1-2008, tòa này mở phiên tòa phúc thẩm và đã tuyên hủy án sơ thẩm. Hồ sơ vụ án được chuyển về TAND quận 10 giải quyết lại.

Kháng nghị quá hạn

Xét về mặt thời hạn, kháng nghị trên của VKSND TP.HCM đã quá hạn một ngày (!). Khoản 1 Điều 252 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Thời hạn kháng nghị đối với bản án của tòa án cấp sơ thẩm của VKS cùng cấp là mười lăm ngày, của VKS cấp trên trực tiếp là ba mươi ngày, kể từ ngày tuyên án”.

Ở đây, VKSND TP.HCM nhận được bản án sơ thẩm vào ngày 1-10-2007. Về cách tính thời hạn, khoản 2 Điều 152 Bộ luật Dân sự quy định: “Khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo của ngày được xác định”. Còn thời điểm kết thúc, khoản 1 Điều 153 Bộ luật Dân sự quy định: “Khi thời hạn tính bằng ngày thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn”. Như vậy, trong vụ án cụ thể trên, thời hạn để VKSND TP kháng nghị được bắt đầu vào ngày 2-10-2007 và kết thúc vào ngày 31-10-2007. Ấy thế, VKSND TP lại kháng nghị vào ngày 1-11-2007.

Giải thích việc nhầm lẫn giờ xét xử, bà Nguyễn Thị Minh Hương, thẩm phán TAND quận 10 (chủ tọa phiên tòa sơ thẩm), cho biết: Lúc ra quyết định hoãn phiên tòa, chỉ có bà Nga có mặt nên tòa đã thông báo với bà này sẽ mở lại phiên tòa lúc 8 giờ ngày 18-9-2007. Sau đó, nhận được tin phòng xử bị “kẹt”, tòa đã báo cho những người khác giờ xét xử là 14 giờ cùng ngày. Do sơ sót nên tòa không báo lại cho bà Nga. Thực tế, giờ xử là lúc 14 giờ. Theo bà Hương, đây không phải là việc hoãn phiên tòa mà chỉ là “dời giờ xét xử”.

Việc xác định giờ xét xử thiết nghĩ rất dễ dàng vì đã có lịch xét xử, danh sách thanh toán bồi dưỡng phiên tòa... Theo bà Hương, việc thư ký tòa đánh máy biên bản nhầm thành 8 giờ là sơ sót kỹ thuật, không đáng để phải hủy bản án khiến cấp sơ thẩm phải hao tốn thời gian, công sức để giải quyết vụ án lại từ đầu. Riêng đối với việc không giải quyết quyền lợi cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (người thuê nhà), do người này không đóng án phí và cũng không có mặt tại phiên tòa nên TAND quận 10 không thể xem xét, giải quyết. Nếu sau này có tranh chấp phát sinh, người này có thể khởi kiện thành một vụ án khác. Điều này đã được ghi trong bản án sơ thẩm.

Xem ra, VKSND TP đã cố gắng “bắt bẻ” những lỗi không đáng. Hậu quả, vụ án phải trở lại từ đầu. Tuy chẳng có lỗi gì cả nhưng ông Hà, bà Nga vẫn phải tiếp tục tới lui hầu tòa chứ đâu thể làm khác hơn.

ÁI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm