Khi huyện cấp giấy đỏ không ngày, tháng

Trong giấy đỏ mà UBND huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) cấp ngày 6-2-2002, chứng nhận hộ bà Trần Ngọc Mỹ có quyền sử dụng lô đất cao su rộng hơn 58.000 m2 thuộc xã Định An. Hai ngày sau khi được cấp giấy đỏ (ngày 8-2-2002) bà Mỹ làm giấy cọc (giấy tay) bán cho bà Nguyễn Thanh Thủy với giá 195 triệu đồng. Hai bên thỏa thuận bà Mỹ nhận trước 20 triệu đồng, bao sang tên (con bà Thủy đứng tên) và bao đổi giấy. Hai tuần sau, bà Mỹ mang giấy đỏ mới đến giao cho mẹ con bà Thủy và nhận 175 triệu đồng còn lại, từ đó phía bà Thủy toàn quyền sử dụng đất, khai thác vườn cao su.

Buộc thôi việc một cán bộ làm sai

Giữa năm 2005 mẹ con bà Thủy mang giấy đỏ đi thế chấp vay tiền ở ngân hàng thì phát hiện giấy đỏ này không có ngày, tháng cấp. Bà mang đến Phòng TN&MT huyện thì nơi đây ghi thêm vào giấy ngày cấp là ngày 5-7-2005 (cách hơn ba năm sau khi có giấy). Bà Thủy kể: “Ban đầu tôi biết chồng bà Mỹ (ông Nguyễn Phương Linh) là giám đốc ban quản lý dự án huyện nên tin tưởng không kiểm tra giấy, sau này mới biết trật lất nên có nhiều rắc rối…”.

Chưa hết, mẹ con bà Thủy còn phát hiện có sự sai lệch lớn về diện tích đất. Cụ thể năm 1999 khi bà Mỹ mua lại phần đất này của ông Nguyễn Văn Tiến (ngụ thị trấn Dầu Tiếng) thì giấy đỏ chỉ ghi là hơn 42.000 m2. Nhưng sau khi bà Mỹ đứng tên thì diện tích tăng lên hơn 58.000 m2. Vì sự nhập nhằng đó nên thực tế sau khi mua, mẹ con bà Thủy cũng không biết đất của mình bao nhiêu mét. Đến tháng 9-2008 thì Phòng TN&MT thu hồi giấy đỏ lô đất với lý do cấp trùng thửa. Cuối năm 2010, do tranh chấp về lối đi với chủ vườn cao su kế bên, phía bà Thủy khởi kiện ra tòa. Nhưng tòa trả lời là giấy đỏ của bà không có hồ sơ gốc nên không đủ điều kiện khởi kiện, bà đành rút đơn.

Vườn cao su do gia đình bà Thủy sử dụng nhiều năm qua nhưng đến nay số phận pháp lý mới rõ ràng. Ảnh: T.TÙNG

Nghi ngờ giấy đỏ của mình bị làm giả và không rõ diện tích, tháng 4-2011 phía bà Thủy xin trích lục hồ sơ đất. Lúc này Phòng TN&MT huyện trả lời bằng văn bản là hồ sơ nguồn gốc đất đã bị thất lạc. Năm 2012, phía bà Thủy yêu cầu giải quyết việc tranh chấp lối đi thì UBND xã Định An hòa giải (vào ngày 27-8-2012), có mặt cả bà Mỹ, ông Linh. Biên bản hòa giải ghi nhận ý kiến của ông Linh rằng: Đất gia đình ông bán cho bà Thủy đã lâu nên không nhớ có đường đi hay không, nay phát sinh tranh chấp thì bản thân ông cũng có trách nhiệm giải quyết. Từ đó ông Linh chỉ đạo xã có hướng giải quyết mở đường đi vào vườn cao su cho phía bà Thủy theo phương án chính quyền và nhân dân cùng làm… Nhưng đến nay phía bà Thủy vẫn không có lối đi.

Năm 2013, phía bà Thủy làm đơn tố cáo phó chủ tịch UBND huyện lúc đó đã ký cấp giấy đỏ khống và ông Linh (hiện là phó chủ tịch UBND huyện) nâng khống diện tích đất bán thu lợi bất chính. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã giao Thanh tra tỉnh xác minh, làm rõ. Tháng 1-2015, UBND tỉnh có thông báo kết quả giải quyết đơn theo hướng tố cáo chủ tịch huyện và ông Linh là không có cơ sở. Về diện tích, tỉnh giải thích con số hơn 42.000 m2 trong giấy đỏ năm 1999 là không đúng do đo vẽ độc lập (bản đồ không ảnh), còn hơn 58.000 m2 trong giấy đỏ do bà Mỹ đứng tên là đo theo đúng bản đồ chính quy của xã Định An. Riêng về sai sót liên quan đến việc chỉnh sửa diện tích trong hồ sơ chuyển nhượng đất từ ông Tiến sang bà Mỹ là do một cán bộ Phòng TN&MT huyện làm, người này đã bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc.

Sẽ được cấp đổi giấy mới

Tuy nhiên, việc cấp giấy không ghi ngày, tháng (sau hơn ba năm mới điền thêm vào) của ủy ban là đúng hay sai? Giấy đỏ mang tên con bà Thủy hiện nay có giá trị pháp lý hay không và đất có lối đi riêng hay không? Để có câu trả lời, ngày 14-7 PV đã liên hệ với UBND huyện nhưng được hướng dẫn là gửi yêu cầu bằng văn bản.

Mới đây, UBND huyện Dầu Tiếng đã có hồi đáp cho báo (công văn do Chánh văn phòng UBND huyện Dương Văn Phương ký). UBND huyện cho rằng giấy đỏ của con bà Thủy hiện không có giá trị pháp lý, không dùng để giao dịch như sang nhượng, cầm cố, thế chấp được. Lý do là chưa được điều chỉnh cho phù hợp với hiện trạng sử dụng đất thực tế. Phòng TN&MT huyện đã làm việc và hướng dẫn con bà Thủy làm thủ tục đổi giấy đỏ nêu trên.

Theo UBND huyện, nội dung liên quan đến hồ sơ đất cũng như việc giải quyết lối đi vào đất được giải quyết bằng văn bản của UBND tỉnh Bình Dương ngày 3-8 (trả lời đơn khiếu nại về việc giải quyết đơn tố cáo của bà Thủy). Theo văn bản này (UBND huyện gửi kèm), UBND tỉnh giải thích nguyên nhân thất lạc hồ sơ đất của con bà Thủy là trong thời kỳ tái lập huyện. Khi đó, việc lưu trữ hồ sơ do cán bộ tự sắp xếp dẫn đến việc để không đúng vị trí (hồ sơ chính quy lưu sang hồ sơ biến động và ngược lại, hồ sơ của xã này lưu sang xã khác...). Vì vậy khi bà Thủy xin trích lục không thấy hồ sơ. Hiện hồ sơ gốc lô đất này đã tìm thấy và lưu tại Phòng TN&MT huyện. Liên quan đến sai sót này, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Dầu Tiếng nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Còn việc giải quyết lối đi vào đất của con bà Thủy, UBND tỉnh cho rằng đã chỉ đạo UBND huyện chủ trì mời hai bên lên để thỏa thuận nhưng không thành. Do đó UBND huyện cho rằng con bà Thủy có quyền khởi kiện để yêu cầu TAND huyện giải quyết lối đi vào đất của mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm