Khó thực hiện bảo hiểm thất nghiệp cho lao động tự do

Theo dự luật, chính sách BHTN được mở rộng áp dụng với tất cả người lao động (NLĐ), bao gồm cả NLĐ không có quan hệ lao động (được xem là nhóm lao động tự do, không có hợp đồng lao động, không có hợp đồng làm việc, không có ông chủ). NLĐ không có quan hệ lao động sẽ tham gia BHTN theo cơ chế tự nguyện.

Thẩm tra dự luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai cho rằng việc mở rộng đối tượng tham gia BHTN là cần thiết nhằm đạt mục tiêu về an sinh xã hội vì hiện có gần 70% lực lượng lao động không có quan hệ lao động. Cần có những biện pháp để thu hút số lao động này tham gia BHTN nhằm tăng tính bền vững cho việc làm của họ. Tuy nhiên, kinh nghiệm các nước cho thấy việc mở rộng BHTN đối với diện lao động này khá phức tạp và quỹ BHTN dễ bị lạm dụng, do khó xác định tình trạng thất nghiệp, công tác thu - chi, khó quản lý nên rất ít quốc gia thực hiện.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng bày tỏ lo ngại tính khả thi của dự luật khi mở chính sách BHTN ra diện quá rộng, gần như choàng gánh trách nhiệm “đảm bảo việc làm” cho NLĐ. Chuyện này không thể làm nổi, không nên đánh đồng mục đích quỹ BHTN (dành cho người đã làm việc, có đóng góp nên khi mất việc được bù đắp) với mục đích “bảo hiểm việc làm”. Với nhóm chưa có việc làm ổn định, chưa có đóng góp, thực chất họ không phải thất nghiệp, không thuộc diện hưởng chính sách thất nghiệp, mà họ cần chính sách hỗ trợ tạo việc làm nhưng đảm bảo việc làm cho NLĐ thì chưa quốc gia nào làm nổi.

Thêm một điểm mới của dự luật về Quỹ BHTN là sửa đổi mức hỗ trợ của Nhà nước vào quỹ. Cụ thể, theo quy định hiện hành thì Nhà nước hỗ trợ 1%; còn theo dự thảo thì Nhà nước sẽ hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển, ngân sách chi cho Quỹ BHTN 1% là hơi nhiều. Nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH cũng thống nhất, về nguyên tắc, trách nhiệm đóng BHTN thuộc về NLĐ và người sử dụng lao động. Chính sách BHTN đang trong thời kỳ đầu, Nhà nước có thể hỗ trợ một phần cho NLĐ để chính sách đi vào cuộc sống. Khi chính sách này đã ổn định, ngân sách sẽ không hỗ trợ thường xuyên nữa, trong trường hợp quỹ này bội chi thì ngân sách sẽ hỗ trợ phần còn thiếu để đảm bảo cân bằng quỹ.

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm