Khổ vì con quá hiếu động

Các ông bố, bà mẹ có con mắc chứng tăng động thường không lúc nào được yên thân, trừ lúc trẻ... đi ngủ! Hầu hết phụ huynh không biết rằng tính tình kỳ khôi của trẻ được hình thành từ môi trường sống, cách nuôi dạy từ lúc trẻ còn bé tí ti.

Rối loạn lúc phát triển thần kinh

Để phân biệt những đứa trẻ hiếu động bình thường và trẻ hiếu động quá mức (tăng động), bác sĩ tâm lý Phạm Ngọc Thanh - BV Nhi đồng 1 cho biết: Trẻ bị rối loạn tăng động, kém tập trung thường xuyên có hành vi hoạt động quá mức, không thể ngồi yên được lâu, lúc nào cũng ngúng nguẩy, lắc lư, gây khó chịu cho người xung quanh. Trẻ không tập trung vào các yêu cầu và cư xử thiếu cẩn thận.

Tăng động là một rối loạn phát triển thần kinh do nhiều nguyên nhân.

Yếu tố sinh học: Tính di truyền đóng vai trò quan trọng. Những kết quả nghiên cứu ở trẻ sinh đôi cho thấy có đến 75%-97% trẻ sinh đôi cùng bị tăng động. Rối loạn tăng động xảy ra trong 25% thành viên trong gia đình.

Yếu tố thần kinh: Các vùng vỏ trán trước (hoạch định hành vi), hạch nền/thể vân (kiểm soát các đáp ứng), tiểu não (xử trí thông tin tạm thời và kiểm soát vận động) và thể chai (liên quan đến việc thông hợp các thông tin để đáp ứng có hiệu quả) bị ảnh hưởng.

Khổ vì con quá hiếu động ảnh 1

Đối với những trẻ tăng động, kém tập trung, cha mẹ phải có lòng yêu thương và kiên nhẫn mới giúp được trẻ. Ảnh minh họa: DUY TÍNH

Yếu tố gia đình: Trẻ mắc chứng này do cha mẹ bị căng thẳng thần kinh, ít biểu lộ tình cảm với con, ít quan tâm đến con.

Yếu tố văn hóa: Trẻ xem tivi nhiều ở những năm đầu đời, lúc não đang phát triển cũng làm nâng cao nguy cơ tăng động (xem tivi 2 giờ/ngày có nguy cơ gia tăng 10%-20%; xem 3-4 giờ/ngày có nguy cơ gia tăng 30%-40%).

Yếu tố môi trường: Tác động của thuốc lá và rượu ở phụ nữ trong lúc mang thai.

Khó thành công khi trưởng thành

Theo bác sĩ Thanh, trẻ rối loạn tăng động, kém tập trung thường được phát hiện ở tuổi đi học, trước bảy tuổi. Trẻ tăng động có thể gặp khó khăn trong học tập, kết quả học tập kém kèm khó khăn trong quan hệ với thầy cô và bạn bè. Chứng này có thể tồn tại ở giai đoạn vị thành niên và tuổi trưởng thành dẫn đến chuyện nghiện rượu, dùng ma túy và rối loạn cư xử. Trẻ dễ có biểu hiện thách thức, chống đối gia đình và xã hội. Nếu lái xe, trẻ có nguy cơ gây tai nạn nhiều hơn so với các trẻ khác. Do đó, khi phát hiện con có dấu hiệu tăng động, kém tập trung, phụ huynh nên đưa trẻ đến những cơ sở khám tâm lý và tâm thần để được chẩn đoán và điều trị ngay từ lúc nhỏ.

Về phương pháp giáo dục, trẻ cần được giáo viên quan tâm bằng cách cho trẻ ngồi bàn đầu trước mặt giáo viên để giúp trẻ tập trung hơn, tránh ngồi gần cửa sổ. Phụ huynh và giáo viên nên hiểu bệnh lý của trẻ, tránh phê phán, hù dọa, la mắng, đánh đập trẻ; không phê phán trẻ lì, lười, cứng đầu… mà nên dùng những lời ngợi khen, động viên. Khi giao việc cho trẻ, phụ huynh nên chia công việc theo từng bước nhỏ để trẻ dễ thực hiện.

Về điều trị, trẻ mắc chứng tăng động cần phối hợp điều trị bằng thuốc và tâm lý. Thuốc hiệu quả nhất là thuốc kích thích tâm thần cho kết quả tốt đối với 70%-96% trẻ có tăng động, kém chú ý. Tuy nhiên, thuốc này chưa được phép sử dụng tại Việt Nam. Cách điều trị thông dụng hơn là dùng các loại thuốc chống trầm cảm theo chỉ định của bác sĩ tâm thần. Ngoài ra, trẻ cần được điều trị tâm lý để thay đổi hành vi và nhận thức, được hướng dẫn cách xử lý cơn giận và được huấn luyện các kỹ năng xã hội.

Cấm điều gì, trẻ làm điều đó

Chị Nhung ở quận 10 (TP.HCM) có đứa con gái lên ba tuổi. Bé quá hiếu động, đến mức không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ nên chị phải nghỉ việc ở nhà để trông con. Khi đi nhà trẻ, bé luyên thuyên, quay tới quay lui chọc ghẹo bạn bè...

Đứa con trai tám tuổi của chị Ngọc An ở quận Tân Phú khi ngồi vào bàn học chưa đầy 10 phút là đã bắt đầu ngả ngớn, với tay lấy cái này, lấy chân đá cái kia. Câu cửa miệng của bé là: “Mẹ ơi, con mỏi tay quá. Ở lớp cô đã bắt con làm bài, ở nhà mẹ lại bắt con làm nữa”, hay: “Bài này dễ lắm tí con làm!” nhưng sau đó thì quên.

Nhiều phụ huynh cho biết họ đưa con đến bệnh viện khám là do yêu cầu từ phía nhà trường, vì trẻ không kiềm chế được hành vi và lời nói trong lớp. Trẻ khó tập trung để tiếp thu bài, hay phá bạn, không thể ngồi yên để viết bài. Ở nhà, trẻ luôn chạy nhảy, hay va chạm đồ vật xung quanh, rất cẩu thả, không biết lắng nghe người lớn. Các trẻ tăng động thường bị cha mẹ và thầy cô trừng phạt nhưng không có kết quả. Mặt khác, trẻ không có khả năng tự tổ chức cuộc sống (như tự sắp xếp quần áo, sách vở, đồ chơi). Trẻ không nói chuyện như các trẻ khác cùng tuổi (nói như em bé, nói lắp, khó hiểu). Trong gia đình, trẻ khó hòa thuận với anh chị em, hay phô trương, khoe khoang, luôn gây gổ và đôi khi tỏ ra tàn nhẫn. Đa số phụ huynh đưa con đi khám tâm lý đều tỏ ra lo lắng vì không biết con mắc bệnh gì.

Nghỉ một chút

Khi trẻ phá phách hoặc ngang bướng và không biết nghe lời, để giúp trẻ kiềm chế cảm xúc, phụ huynh nên đưa trẻ ra chỗ khác trong vài phút (tối đa không quá 5 phút). Hãy chọn một cái ghế hoặc một góc yên tĩnh nào đó và nhẹ nhàng bảo trẻ ngồi xuống (lưu ý đây không phải hình phạt). Khi thời gian “nghỉ một chút” đã qua, bạn trao đổi với trẻ xem có còn quậy phá khi quay lại chơi với các bạn không. Chắc chắn trẻ sẽ có sự thay đổi.

Đôi khi, bản thân người giữ trẻ cũng cần “nghỉ một chút”. Nếu bạn cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi quá thì bạn nên dừng lại, hít thở thật sâu rồi suy nghĩ xem nên làm gì và không nên làm gì với đứa trẻ thuộc dạng này. Tuyệt đối không được la hét hay đánh đập trẻ.

. Khi trẻ quá nghịch ngợm, la mắng hay giận dữ với trẻ sẽ phản tác dụng?

+ Đúng. Tốt nhất là nói chuyện với trẻ bằng giọng nói bình thường, êm dịu. Hãy chú ý đến những gì trẻ muốn chơi hoặc làm mà đáp ứng cho trẻ thay vì để ý việc sửa sai những hành động của trẻ mà bạn không muốn. Ví dụ: Khi trẻ vẽ bậy lên tường, hãy đưa cho trẻ giấy và viết chì màu để vẽ. Khi trẻ chạy trong nhà một cách nguy hiểm nên đưa chúng ra ngoài sân chơi một lúc. Khi trẻ liệng sách vở qua lại, bạn hãy chuẩn bị vài trái banh nhỏ để trẻ chơi trò ném banh vào rổ…

. Nếu kiên nhẫn, chúng ta có thể giúp trẻ sửa đổi những hành vi phá phách của mình?

+ Đúng. Hãy gợi ý trẻ sửa chữa lỗi lầm. Ví dụ như trẻ vứt thức ăn xuống sàn, hãy bình tĩnh đưa cho trẻ một mảnh giấy để trẻ tự lau chùi. Nếu trẻ làm gãy một món đồ chơi, có thể bảo trẻ cùng với bạn sửa lại cho tốt hơn. Nếu trẻ làm bạn đau, hãy yêu cầu trẻ an ủi, vỗ về bạn và xin lỗi bạn.

Tăng động giảm chú ý là chứng bệnh mạn tính, trẻ càng luyện tập được nhiều thói quen tốt, thay đổi hành vi từ tiêu cực sang tích cực thì khi lớn lên trẻ vẫn có cơ hội để thành công trong cuộc sống. Sự kiên nhẫn và lòng yêu thương của cha mẹ là hai yếu tố chính trong việc luyện tập cho trẻ.

Chuyên viên tâm lý KIỀU THANH HÀ BV Nhi đồng 2

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm