Không cấm học cao nhưng khả năng quản lý phải tốt

Đúng là hiện nay do chúng ta quá đặt nặng tiêu chí bằng cấp trong tuyển dụng, đánh giá, đề bạt vô hình trung làm bùng nổ vấn nạn mua bằng, bằng giả hay học giả bằng thật nên trong xã hội xuất hiện tình trạng bằng mọi cách chạy cho được bằng cấp này nọ không qua thực học, thực tài. Một thống kê cho thấy Việt Nam có khoảng 24.300 tiến sĩ. Trong đó chỉ có hơn 9.000 tiến sĩ đang giảng dạy tại các trường. Nhiều người nói đùa tiến sĩ chúng ta nhiều quá, cứ ra ngõ là gặp tiến sĩ.

Tôi rất mong rằng chúng ta vẫn phải phát huy tinh thần hiếu học, học học mãi không ngừng. Càng có nhiều người có trình độ, có văn hóa thì dân trí càng mở mang. Thật sự tôi cũng không ngại các quan chức có bằng cấp cao nhưng phải làm sao học vị cao ấy cũng sẽ đi cùng với khả năng quản lý tốt. Nếu chúng ta bố trí đúng người như vậy thì càng phát huy khả năng của họ. Đừng để cho người có học vị cao nhưng khả năng quản lý kém chen chân vào đó, lợi đâu chưa thấy chứ nguy cơ gây nguy hại cho dân, cho nước thì có thể thấy sờ sờ ngay đó. Tôi cho rằng cốt lõi hiện nay là cần phải thay đổi tư duy tuyển chọn cán bộ, đề bạt các chức năng quản lý. Tôi đồng tình với ông Diệp Văn Sơn, muốn làm công chức phải chấp nhận “luật chơi nghiêm khắc hơn”. Như áp dụng thi tuyển cạnh tranh vào công chức, vào những chức danh lãnh đạo. Thay đổi tư duy sai lầm về một nền công vụ quá đề cao bằng cấp, không chú trọng thực chất năng lực. Học vị chỉ có giá trị khi có giá trị cộng thêm trong công việc được giao phó, nếu không thì sẽ không được dùng, bất kể là ai hay ở vị trí nào.

NGUYỄN THANH TÙNG (ĐH Sư phạm TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm