Không đi họp, chưa được xây nhà tình nghĩa

Ông Lê Văn Sánh (79 tuổi, ở ấp 1A, xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, Bến Tre) là con của mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Lê Thị Mười. Ông Sánh có một người anh và ba người em trai là liệt sĩ. Bản thân ông cũng từng tham gia cách mạng, bị địch bắt tù đày.

Mòn mỏi chờ nhà tình nghĩa

Năm 1961, ông Sánh đi bộ đội chủ lực đơn vị C261 thuộc tỉnh đội Bến Tre. Trong thời gian này ông từng bị thương và bị địch bắt tù đày 14 tháng. Năm 1967, một người anh và ba em trai của ông đều đã hy sinh trong kháng chiến. Chỉ còn một mình ông là con của gia đình nên ông Sánh được đơn vị cho rời ngũ về quê chăm sóc cha mẹ già và tham gia công tác ở địa phương.

Khoảng 20 năm trước, UBND xã Thạnh Phú Đông đã hỗ trợ cho mẹ ông Sánh căn nhà tình nghĩa rộng khoảng 25 m2. Năm 2008, người mẹ qua đời, ông Sánh là người thừa kế căn nhà trên. Đây cũng là nơi thờ cúng mẹ VNAH và bốn liệt sĩ (một người anh và ba em trai ruột của ông).

Đến nay căn nhà đã xuống cấp trầm trọng, do hoàn cảnh khó khăn, tuổi già nên ông Sánh không có khả năng tu sửa lại căn nhà tình nghĩa. Hiện tại gia đình ông phải che tạm căn nhà mái lá, cột cây, vách gỗ cạnh bên để làm nơi sinh sống.

Nhìn lên căn nhà rách nát, chắp vá nhiều nơi, ông Sánh buồn rầu thổ lộ: “Nhà rách nát hết rồi mà giờ vợ chồng già biết lấy gì sửa lại. Khổ nhất là mỗi khi trời mưa, trong nhà dột nát như ở ngoài sân. Ngay cả chỗ ngủ cũng bị ướt hết. Có hôm mưa to gió lớn, tôi còn lo căn nhà đổ sập xuống thì cả nhà tôi không biết ở đâu, không biết căn nhà có trụ nổi qua mùa mưa bão sắp tới hay không”.

Căn nhà vách lá dột nát nơi gia đình ông Sánh đang sinh sống. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Dù gia đình ông Sánh  được UBND xã đề xuất hỗ trợ xây nhà tình nghĩa theo chế độ được hưởng, thế nhưng người dân trong tổ nhân dân tự quản (NDTQ) lại không đồng tình.

Ông Võ Thành Nam, tổ trưởng tổ NDTQ số 5, ấp 1A, xã Thạnh Phú Đông, cho biết: “Người dân trong tổ không đồng tình việc chính quyền hỗ trợ nhà ở cho ông Sánh là vì đã gần 10 năm nay ông không đi họp tổ NDTQ, sống cô lập một mình, ít giao tiếp, thiếu thân thiện với hàng xóm nên không được lòng bà con xung quanh. Chính vì thế, khi bỏ phiếu để xây nhà tình nghĩa cho ông Sánh thì 100% người dân trong tổ NDTQ đều không đồng ý. Ngoài ra, ông Sánh đã được sở hữu căn nhà tình nghĩa trước do mẹ ông để lại nên người dân phản đối việc chính quyền xã hỗ trợ thêm lần nữa để xây nhà tình nghĩa mới cho ông”.

Không cần ý kiến lối xóm

Ông Nguyễn Văn Chờ, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú Đông, xác nhận hiện ông Sánh đang được hưởng trợ cấp chế độ chính sách từng bị tù đày 790.000 đồng/tháng. Gia đình ông Sánh đang khó khăn về nhà ở và thuộc diện được hỗ trợ.

Từ trước tới nay chính quyền địa phương mỗi khi xét duyệt hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho hộ nào cũng đều thông qua ý kiến của người dân trong tổ NDTQ và trong ấp. Căn nhà tình nghĩa trước đây là do chính quyền địa phương xây cất cho mẹ của ông Sánh theo chế độ là mẹ VNAH. Còn ông Sánh hiện tại được xét nhà tình nghĩa theo chế độ người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày là chế độ riêng.

Thế nhưng vì người dân trong tổ NDTQ rất bức xúc việc ông Sánh không tham gia họp tổ nên việc lấy ý kiến người dân để xây nhà cho ông đang gặp rất nhiều khó khăn.

“Sắp tới, Đảng ủy, UBND xã sẽ nắm kỹ thông tin thực tế từ người dân và xem xét lại hoàn cảnh của ông Sánh. Sau đó xã sẽ có cuộc họp ban chấp hành mới có quyết định có nên xây nhà mới cho ông Sánh hay dừng lại. Đồng thời chính quyền xã cũng sẽ vận động gia đình ông Sánh nên tham gia sinh hoạt tổ NDTQ nơi cư trú” - ông Chờ nói.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Thành Thưởng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre, khẳng định ông thuộc diện được hỗ trợ xây nhà tình nghĩa theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo ông Thưởng, việc xét xây nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách thì chính quyền địa phương không cần phải lấy ý kiến người dân ở tổ NDTQ. Nếu xét thấy hoàn cảnh gia đình ông Sánh thật sự khó khăn và thuộc diện được hỗ trợ thì địa phương phải xem xét đề xuất để hỗ trợ.

Tình hàng xóm không liên quan đến việc xây nhà tình nghĩa

Việc hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho người có công là việc làm thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Đồng thời đây cũng là sự động viên các gia đình chính sách giảm bớt khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Không đi họp, chưa được xây nhà tình nghĩa ảnh 2
Bên trong căn nhà của vợ chồng ông Sánh nhiều chỗ mục nát sắp sập. Ảnh: Đ.HÀ

Quan hệ lối xóm không ảnh hưởng gì đến việc hỗ trợ nhà tình nghĩa cho người có công theo quy định. Hơn nữa, căn nhà tình nghĩa trước đây đã được xây cho mẹ ông Sánh nay đã xuống cấp trầm trọng, trong khi hiện căn nhà trên là nơi thờ cúng bốn liệt sĩ và mẹ VNAH thì việc xét hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho ông Sánh theo diện người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày là chính đáng.

Ông Nguyễn Thành Thưởng,
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm