Không thể xem thường số phận con người

Ngày 6-6, Pháp Luật TP.HCM đăng thông tin “Lại một tử tù nghi bị oan”, phản ánh vụ ông Hàn Đức Long bị kết án về tội hiếp dâm, giết người qua hai phiên tòa sơ thẩm và hai phiên tòa phúc thẩm. Mới đây, chánh án TAND Tối cao đã có kháng nghị giám đốc thẩm vụ án, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hủy hai bản án sơ và phúc thẩm để điều tra, xét xử lại. Một số chuyên gia pháp luật cho rằng cơ quan tố tụng dù ở cấp nào thì cũng phải tuân thủ và thực thi đúng đắn các quy định pháp luật để tránh làm oan.

Kháng nghị là rất cần thiết

Xét ở góc độ pháp lý đơn thuần và căn cứ vào những thông tin trên báo chí, phản ánh dư luận trong thời gian qua, trong vụ này nổi lên nhiều điều cần phải làm rõ. Đó là những chứng cứ ngoại phạm, lời khai bị ép cung nhục hình của ông Long, một số bản giấy tay do điều tra viên viết trước đó rồi cho rằng đó là biên bản tự thú (nhưng có nhiều nét chữ khác nhau)… Ngoài ra, tôi có cảm giác về thời gian, địa điểm được mô tả chưa được phù hợp lắm với thực tế của việc phạm tội. Trước đây, khi vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn chưa phát lộ thì vụ án này đã bị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao giám đốc thẩm hủy toàn bộ hai bản án. Lần kháng nghị này của chánh án TAND Tối cao là lần kháng nghị thứ hai và nó rất cần thiết, hợp tình hợp lý.

Tôi cho rằng trong các vụ án hình sự nói chung quá trình thẩm vấn, tranh tụng tại tòa được ví như những cuộc điều tra công khai và thường mang lại kết quả khá cao. Đặc biệt những lời khai của bị cáo về việc bị ép cung, dùng nhục hình tại tòa thường đặt ra những dấu hỏi lớn, đòi hỏi cơ quan tố tụng phải cất công tìm hiểu. Những lời khai của ông Long trong vụ này cũng khiến chúng ta phải suy nghĩ và tìm ra bản chất vụ án. Đó chính là con đường tiến đến một nền tư pháp cải cách theo hướng chống án oan…

Thẩm phán VŨ LINH, TAND huyện Tân Phú (Đồng Nai)

Không thể xem thường số phận con người ảnh 1
 

Phải thận trọng trước những bất thường

Khoản 2 Điều 273 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định khi phát hiện kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án thì đó là căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm bản án đó. Theo những gì báo chí nêu và hồ sơ vụ án thì trường hợp kết tội đối với ông Long có nhiều điểm bất thường không phù hợp với bản chất khách quan và sự thật. Chẳng hạn tình tiết tối hôm trước ông Long bị công an triệu tập lấy lời khai theo đơn tố cáo của mẹ con bà K. (hàng xóm, có mâu thuẫn) nhưng sau một đêm bị giữ ở trụ sở sáng hôm sau ông Long lại có đơn đầu thú về việc giết và hiếp cháu Y. (trong khi vụ án này công an đang tắc tị). Tình tiết này rõ ràng không phù hợp với logic thực tế khách quan, ẩn chứa nhiều điều bất thường, đây là khởi nguồn của việc làm oan (nếu có). Nó cũng là kết quả xấu của những hiện tượng cấm kỵ trong điều tra là ép cung, dùng nhục hình mà ông Long đã từng có nhiều lời khai mình từng bị áp dụng.

Do vậy tôi cho rằng phải cẩn trọng xem xét lại toàn bộ vụ án này. Chánh án TAND Tối cao có kháng nghị giám đốc thẩm là việc làm cần thiết, thận trọng và thể hiện trách nhiệm cao trước số phận một con người.

TS PHAN ANH TUẤN, Trưởng bộ môn Luật hình sự, khoa Luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM

 

Đừng để có thêm người bị oan

Tôi nhớ không chỉ khi chánh án TAND Tối cao có kháng nghị giám đốc thẩm thì người ta mới chú ý đến vụ án này mà dư luận đã từng nhắc đến nhiều số phận của tử tù Hàn Đức Long. Tôi muốn nói lên một điều là cơ quan tố tụng dù ở cấp nào thì cũng không nên xem thường dư luận và số phận con người. Cũng như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, vợ ông Long cũng từng chín năm trời ròng rã gửi đơn kêu oan cho chồng và được kháng nghị của chánh án TAND Tối cao. Những dấu hiệu bất thường của vụ án này là có, yếu tố oan sai là có và thực tế một người đang đối diện với bản án tử hình cũng là có thật. Chúng tôi không có trong tay hồ sơ vụ án nên không thể bàn luận nhiều về các tình tiết liên quan, chỉ hy vọng cơ quan tòa án cao nhất hiện nay với thẩm quyền của mình sẽ cẩn trọng khi xem xét vụ án bằng thủ tục giám đốc thẩm. Nền tố tụng hình sự của chúng ta đã có một bài học lớn từ vụ án oan của ông Chấn, không nên và không thể có những ông Chấn tiếp theo.

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO, Phó Chủ nhiệm Đoàn
Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Ra quân bắt chó thả rông, không rọ mõm

Ra quân bắt chó thả rông, không rọ mõm

(PLO)- Đội bắt chó thả rông của UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP.HCM tiếp tục ra quân bắt giữ chó thả rông, không rọ mõm, xử phạt thêm nhiều trường hợp chủ nuôi vi phạm.

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.