Không vi phạm, chủ xe vẫn bị phạt nguội

Tạm giữ giấy tờ xe là một biện pháp bảo đảm việc xử lý vi phạm giao thông. Thông tư 11/2013 của Bộ Công an hướng dẫn việc xử phạt vi phạm giao thông (có hiệu lực từ ngày 15-4) tháo gỡ một vướng mắc mà báo Pháp Luật TP.HCM từng nêu, đó là sau khi bị tạm giữ giấy tờ xe thì tài xế có được chạy tiếp hay không.

Bị tạm giữ giấy tờ: Chỉ được chạy một thời gian

Thông tư 11 căn cứ vào thời hạn hẹn giải quyết vi phạm để xác định lỗi của người lái xe. Cụ thể:

- Nếu đang trong thời gian hẹn giải quyết ghi trong biên bản và đã bị tạm giữ một loại hoặc hết các giấy tờ xe, người điều khiển phương tiện chỉ bị lập biên bản về hành vi vi phạm mới (nếu có) và bị tạm giữ xe.

- Nếu quá thời hạn hẹn mà chưa đến cơ quan công an để giải quyết vụ việc, người tiếp tục điều khiển xe sẽ bị xử phạt hành vi không có giấy tờ. Trường hợp tiếp tục vi phạm hành vi mới thì bị lập biên bản về hành vi không có giấy tờ và hành vi vi phạm mới, bị tạm giữ một trong các loại giấy tờ còn lại hoặc tạm giữ xe.

Không vi phạm, chủ xe vẫn bị phạt nguội ảnh 1

CSGT lập biên bản xử phạt một trường hợp vi phạm giao thông tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Về các loại giấy tờ bị tạm giữ, Thông tư 11 hướng dẫn:

- Nếu chỉ bị áp dụng hình thức xử phạt tiền, CSGT có thể tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: giấy phép lái xe; giấy đăng ký xe; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

- Nếu còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ thì bị tạm giữ các giấy tờ này. Trường hợp không có các giấy tờ này thì bị tạm giữ xe.

Chủ xe nộp phạt thay người điều khiển xe

Theo Nghị định 34/2010 của Chính phủ, đối với những trường hợp vi phạm giao thông bị CSGT phát hiện thông qua các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (ghi lại hình ảnh và biển số đăng ký xe), chủ sở hữu xe phải hợp tác với CSGT để xác định đối tượng đã điều khiển xe vi phạm.

Chủ sở hữu xe (thường gọi là chủ xe) là cá nhân, tổ chức đứng tên trong giấy đăng ký xe. Trường hợp cá nhân, tổ chức đứng tên trong giấy đăng ký xe đã chuyển nhượng hoặc chuyển quyền thừa kế xe thì cá nhân, tổ chức đã mua, được cho, được tặng hoặc được thừa kế xe được xác định là chủ xe.

Khi nhận được thông báo của CSGT về việc xe có vi phạm, chủ xe phải yêu cầu người điều khiển xe đã thực hiện hành vi vi phạm đến cơ quan đã gửi thông báo để giải quyết. Trường hợp không xác định được người điều khiển phương tiện hoặc người này không chịu đến thì chủ xe phải trực tiếp đến cơ quan đã gửi thông báo để giải quyết. Chủ xe phải ký vào biên bản vi phạm hành chính với tư cách là người chứng kiến và chấp hành quyết định xử phạt thay cho người điều khiển xe.

Không xuất trình giấy tờ xe: Ba cách xử lý

Tại thời điểm kiểm soát, nếu người điều khiển xe không xuất trình được giấy đăng ký xe; giấy phép lái xe; bằng (hoặc chứng chỉ) điều khiển và chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (gọi chung là giấy tờ xe) thì có ba cách xử lý.

1. Nộp trước khi có quyết định xử phạt: Nếu cho rằng “có nhưng không mang theo”, người chạy xe sẽ bị lập biên bản về hành vi không có giấy tờ theo quy định; bị tạm giữ phương tiện theo quy định. Trong thời hạn hẹn giải quyết, nếu người có thẩm quyền chưa ra quyết định xử phạt mà người vi phạm xuất trình được các giấy tờ xe thì CSGT tạm giữ giấy tờ đó, ghi vào mặt sau biên bản vi phạm hành chính (bản lưu) về thời gian xuất trình được giấy tờ; báo cáo người có thẩm quyền trả lại xe bị tạm giữ cho người vi phạm; ra quyết định xử phạt về hành vi không mang theo giấy tờ.

2. Nộp sau khi có quyết định xử phạt: Trường hợp người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt mà sau đó người vi phạm mới xuất trình giấy tờ xe thì CSGT cũng tạm giữ giấy tờ đó, ghi vào mặt sau biên bản vi phạm hành chính (bản lưu) về thời gian xuất trình được giấy tờ; báo cáo với người có thẩm quyền để hủy quyết định xử phạt về hành vi không có giấy tờ, trả lại xe bị tạm giữ cho người vi phạm; ra quyết định xử phạt về hành vi không mang theo giấy tờ (mức phạt tiền nhẹ hơn).

3. Nộp sau khi hết hẹn giải quyết: Trường hợp hết thời hạn hẹn giải quyết mới xuất trình được giấy tờ xe thì người vi phạm phải chấp hành quyết định xử phạt về hành vi vi phạm ghi trong biên bản.

Số người được chở thêm

Từng loại xe được phép chở quá số người mà không bị xử phạt. Gồm có:

- Xe đến chín chỗ ngồi: được phép chở quá một người;

- Xe từ 10 chỗ ngồi đến xe 15 chỗ ngồi: được phép chở quá hai người;

- Xe từ 16 chỗ ngồi đến xe 30 chỗ ngồi: được phép chở quá ba người;

- Xe trên 30 chỗ ngồi: được phép chở quá bốn người.

Cách tính số người chở vượt quá quy định để xử phạt (ký hiệu là X) như sau:

X = Tổng số người trên xe khi kiểm soát - (số chỗ ngồi ghi trong giấy đăng ký xe + số người được phép chở quá đối với từng loại xe nhưng không bị xử phạt).

Ví dụ: Khi kiểm soát, phát hiện xe ô tô chở người loại xe 45 chỗ ngồi (ghi trong giấy đăng ký xe) nhưng thực tế trên xe chở 50 người. Do đây là loại xe chở người trên 30 chỗ ngồi nên cách tính số người chở vượt quá quy định để xử phạt là:

X = 50 người - (45 người + 4 người) = 1 người chở vượt quá quy định bị xử phạt.

NGUYÊN THY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm