Làm ba giấy tùy thân: 11 ngày

Căn cứ theo Quyết định số 07 ngày 30-1-2013 của UBND TP.HCM, Sở Tư pháp TP.HCM vừa triển khai thực hiện quy chế một cửa liên thông ba thủ tục gồm hộ tịch - bảo hiểm y tế - hộ khẩu. Từ nay, người dân chỉ cần nộp hồ sơ tại UBND phường, xã, thị trấn (gọi tắt là UBND cấp xã) sẽ được giải quyết cả ba thủ tục này chỉ trong 11 ngày.

Áp dụng cho trẻ dưới sáu tuổi

Quy chế trên áp dụng cho trẻ em dưới sáu tuổi có cha hoặc mẹ hay người nuôi dưỡng có hộ khẩu tại TP.HCM. Trường hợp có cha hoặc mẹ hay người nuôi dưỡng tạm trú tại TP.HCM thì trẻ chỉ được giải quyết hai thủ tục là đăng ký khai sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế (thẻ BHYT).

Ngoài ra, người có thân nhân (có hộ khẩu tại TP.HCM) qua đời cũng không cần đến UBND cấp xã đăng ký khai tử rồi mới đến công an quận, huyện làm thủ tục xóa hộ khẩu như trước đây nữa. Thay vào đó, họ chỉ cần đến UBND cấp xã là được giải quyết cả hai thủ tục: đăng ký khai tử và xóa hộ khẩu đối với người chết.

Làm ba giấy tùy thân: 11 ngày ảnh 1

Người dân làm thủ tục hành chính một cửa tại UBND phường 27, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: KP

Các giấy tờ cần có

1. Đối với trẻ làm thủ tục “ba trong một” tức là đăng ký khai sinh - thẻ BHYT - hộ khẩu:

Người đi đăng ký khai sinh phải xuất trình cho UBND cấp xã giấy CMND và giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ (nếu có). Trường hợp cán bộ tư pháp-hộ tịch biết rõ quan hệ hôn nhân của cha, mẹ trẻ thì người đi đăng ký không bắt buộc phải xuất trình giấy này.

Hồ sơ đăng ký khai sinh gồm có: Tờ khai đăng ký khai sinh; giấy chứng sinh do cơ sở y tế nơi trẻ em sinh ra cấp (nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế thì giấy này được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng). Trường hợp không có người làm chứng thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.

Hồ sơ đăng ký nhập hộ khẩu cho trẻ gồm có: phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; hộ khẩu của cha (bản chính) nếu trẻ nhập hộ khẩu theo cha; hộ khẩu của mẹ (bản chính) nếu trẻ nhập hộ khẩu theo mẹ.

Trường hợp trẻ không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng nên trẻ về ở ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ, nếu trẻ nhập hộ khẩu theo dạng này phải có giấy tờ chứng minh hoặc có xác nhận của UBND cấp xã về mối quan hệ nêu trên.

Riêng việc cấp thẻ BHYT, người dân không cần phải nộp thêm bất cứ giấy tờ nào mà cán bộ tư pháp-hộ tịch sẽ lấy bản sao giấy khai sinh để nộp hồ sơ đề nghị cấp thẻ này cho trẻ.

Nếu người dân có nhu cầu nhận ngay giấy khai sinh thì UBND cấp xã sẽ cấp ngay trong ngày. Trường hợp nộp hồ sơ sau 15 giờ thì người dân phải đợi đến ngày làm việc tiếp theo mới được UBND cấp giấy. Nếu người dân muốn nhận kết quả của cả ba thủ tục thì được giải quyết trong thời hạn 11 ngày.

2. Đối với trẻ chỉ làm thủ tục “hai trong một” tức chỉ đăng ký khai sinh và cấp thẻ BHYT:

Người đi đăng ký khai sinh và thẻ BHYT cho trẻ chỉ cần xuất trình giấy CMND và sổ tạm trú của cha hoặc mẹ hoặc người nuôi dưỡng trẻ; giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ trẻ (nếu có).

Hồ sơ đăng ký khai sinh cũng giống như thủ tục “ba trong một” nêu trên và thẻ BHYT cũng sẽ được cấp cho trẻ mà gia đình không cần nộp thêm giấy tờ.

UBND cấp xã cũng sẽ cấp giấy khai sinh ngay trong ngày tiếp nhận hồ sơ rồi hẹn cấp thẻ BHYT trong thời hạn chín ngày làm việc. Nếu người dân muốn nhận hai giấy cùng lúc thì UBND cấp xã sẽ trả kết quả trong thời hạn chín ngày làm việc.

3. Đối với người làm thủ tục khai tử và cắt hộ khẩu:

Người đi đăng ký khai tử cần xuất trình CMND cùng các loại giấy tờ sau: giấy báo tử hoặc giấy tờ thay thế giấy này; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; hộ khẩu (bản chính) của người chết. Sau sáu ngày làm việc, UBND cấp xã cấp giấy chứng tử và trả lại hộ khẩu (đã xóa tên của người chết). Nếu người dân có nhu cầu nhận giấy chứng tử trước thì UBND cấp xã sẽ cấp ngay trong ngày nhận hồ sơ.

Miễn lệ phí cấp khai sinh bản chính

UBND cấp xã miễn lệ phí khi cấp giấy khai sinh (bản chính) và thẻ BHYT cho trẻ em dưới sáu tuổi. Nếu đăng ký bản sao giấy khai sinh cho trẻ thì người dân nộp lệ phí 2.000 đồng/giấy. Riêng việc nhập hộ khẩu cho trẻ thì phải nộp lệ phí 10.000 đồng/trường hợp.

Rút ngắn 15 ngày

Nếu như trước đây người dân làm cả ba thủ tục mất tới 26 ngày thì nay chỉ còn 11 ngày (giảm 15 ngày). Ngoài việc rút ngắn được thời gian, người dân còn đỡ tốn công đi lại nhiều lần và qua nhiều cơ quan. (Theo thủ tục cũ, đầu tiên người dân đến UBND cấp xã đăng ký khai sinh; sau đó qua công an quận, huyện nhập hộ khẩu; sau nữa quay lại UBND cấp xã nhận thẻ BHYT).

KIM PHỤNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm