Làm luật không phải chỉ để xử phạt!

Nhiều người góp thêm ý kiến để Chính phủ cân nhắc trước khi muốn ủng hộ bộ nào.

Việc dân sự can chi công an can dự?

Theo Bộ Công an, quy định xử phạt hành vi mua bán xe mà không sang tên không phải mới mẻ gì mà đã có từ lâu. Điều khiến mọi người “nhảy dựng” là lần này mức phạt tiền theo Nghị định 71/2012 cao quá. Giải thích thêm lý do xử phạt, một thứ trưởng của bộ công an nêu: “Việc bắt buộc phải chuyển quyền sở hữu phương tiện nhằm hướng tới mục tiêu bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, trách nhiệm của các bên khi mua, trao tặng xe để tránh những tranh chấp về dân sự”. Tuy hoàn toàn đồng tình với quy định “mua bán xe thì phải sang tên, đổi chủ” để cả người bán lẫn người mua đều không bị thiệt nhưng tôi cho rằng lý do phạt như đã nêu của Bộ là không xác đáng.

Luật Giao thông đường bộ bắt buộc các loại xe phải đăng ký quyền sở hữu. Đây là cơ sở để các bộ, trong đó có Bộ Công an trình Chính phủ ban hành nghị định xử phạt việc không sang tên xe. Thế nhưng nếu vì không sang tên mà xảy ra tranh chấp thì các bên có thể kiện nhờ tòa án giải quyết, can chi Bộ Công an phải “ôm rơm nặng bụng”? Do việc không sang tên xe không hề có quan hệ nhân quả với việc vi phạm luật giao thông, cớ gì Bộ Công an lại đòi phạt?

Làm luật không phải chỉ để xử phạt! ảnh 1

Làm thủ tục đăng ký xe tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Đã có nhiều ý kiến lưu ý phàm là việc dân sự thì chính quyền nên để các bên tự điều chỉnh, sự can thiệp của bộ máy nhà nước, nhất là công an, chỉ nên là hạn hữu và chỉ áp dụng cho những việc có thể gây tác hại lớn cho cộng đồng. Trong việc xe chính chủ cần đặt vấn đề: Với một quy định đã có từ lâu mà sao rất ít người (kể cả lực lượng CSGT) thực hiện, chấp hành? Phải chăng nguyên nhân sâu sa chính là người dân chưa thấy được ích lợi của việc sang tên xe, xe dù không mang tên người chạy nhưng nếu không bị ai tranh chấp và người chạy luôn cố gắng chạy đúng luật thì cũng không làm “chết” ai? Phía lực lượng chức năng cũng không thấy xe không chính chủ gây bất lợi đáng kể cho công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông nên cũng không mặn mà phạt tiền?

Theo tôi, các bộ GTVT, Công an, Tư pháp nên xem xét kỹ quy định phạt xe không chính chủ, thống nhất xác định mục đích phạt, đối tượng bị phạt để quy định xử phạt (nếu có) gắn với thực tiễn. Ngay cả khi “phạt để CSGT dễ quản lý phương tiện, dễ truy cứu trách nhiệm của chủ xe” thì cũng phải hỏi xem Bộ Công an đã làm gì để dân đi sang tên xe chứ không phải hở chút là phạt. Lần này, các bộ phải cố gắng tránh cho được sự “không hợp lý, không khả thi” để rồi quy định xử phạt dần dần đi vào quên lãng có cũng như không.

KHẮC TUẤN (TP.HCM)

Để qua năm 2015 hãy phạt

Theo Thông tư 12/2013 của Bộ Công an, từ ngày 15-4-2013 đến ngày 31-12-2014, xe đã đăng ký, chuyển nhượng qua nhiều người và thiếu các giấy tờ liên quan sẽ được đăng ký một cách dễ dàng theo những thủ tục phù hợp. Tưởng là Bộ khuyến khích đi đăng ký xe nhưng không hiểu sao cũng trong thông tư này Bộ lại “đòi” xử phạt người đi đăng ký từ ngày 15-4-2013. Căn cứ xử phạt là Nghị định 71/2012 trong khi theo dự kiến thì tháng 7 tới đây nghị định này sẽ được thay thế bằng một nghị định mới. Nếu nghị định mới vẫn quy định phạt xe không sang tên với mức phạt thấp thì có nghĩa là một phần nội dung của Thông tư 12 chỉ “sống” được chừng ba tháng mà thôi!

Để tránh chuyện pháp luật cứ bị thay đổi xoành xoạch khiến người dân chẳng biết đường nào lần, tôi cho rằng nghị định mới của Chính phủ phải tính toán kỹ thời điểm xử phạt. Dựa theo thời điểm “… đến ngày 31-12-2014” mà Thông tư 12 đã nêu, có lẽ việc xử phạt nên được triển khai từ đầu năm 2015. Việc cho dân thời hạn sửa sai xem ra cũng trùng hợp với ý tưởng của Bộ GTVT “chưa xử phạt xe không chính chủ do việc đăng ký xe còn phức tạp, dẫn đến sự tồn đọng một số lượng lớn xe chưa chuyển quyền sở hữu”. Bấy giờ, khi cảm nhận được sự cần thiết của việc sang tên xe và được thuyết phục bởi tính “nhất quán, có trước có sau”, số đông sẽ thay đổi thái độ từ hoài nghi sang ủng hộ và các bộ cứ theo đó mà tiếp tục triển khai suôn sẻ.

TRẦN XUÂN (Long An)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm