Lãng phí ở tiệc tất niên, thấy mà xót!

Còn nhớ khi ra nước ngoài học, các thầy cô đi “tuần” để kiểm tra việc tắt đèn. Thông điệp đưa ra rất rõ ràng: tắt đèn khi ra khỏi phòng. Bữa ăn, các thầy cô “dạo” vòng quanh, ai ăn không hết, bỏ lại, được ghi nhận. Ban đầu các thầy cô lên lớp, dạy về cách ăn của người bản địa: ăn sạch hết những gì lấy ra. Sau đó nhờ các lớp trưởng nhắc nhở, người nào vẫn không sửa thì các thầy cô sẽ nhắc nhở trực tiếp ngay khi để lại đồ ăn dư trong dĩa.

Tiết kiệm không có nghĩa là hà tiện. Nếu cần đèn sáng, bật nhiều đèn lên, sao cho đủ sáng. Nhưng khi đi ra khỏi phòng, không cần ánh sáng nữa thì chịu khó tắt đi. Sau này, khi đi đến nhiều nước, tôi để ý thấy người dân đến từ các nước giầu, các nước phát triển có ý thức về việc tắt đè`n khi ra khỏi phòng hơn so với người dân đến từ các nước nghèo.

Mấy ngày nay là dịp cuối năm, nơi nơi tổ chức tiệc tất niên. Tiệc nào cũng hoành tráng, đồ ăn ê hề, không những ê hề khi đang ăn mà ê hề ngay cả khi mọi người ăn xong. Rượu bia rót thả cửa, không uống được cũng rót, bắt phải uống. Nhiều người bị ép uống len lén đổ đi. Ít thấy ai nhấm nháp, thưởng thức rượu bia, mà thường đổ thẳng vào miệng, xong dốc ngược ly xuống cho mọi người xem, chứng tỏ mình đã uống hết sạch. Không biết việc chứng tỏ mình đã uống hết sạch bia rượu ấy có được coi là tiết kiệm hay không nữa?

Uống vào say rồi, nguyên nửa nồi lẩu còn dư, không ai ăn nữa, hút thuốc xong bỏ ngay tàn vào, lau miệng xong liệng ngay khăn dơ vào dĩa thịt còn lại gần cả nửa. làm như vậy thì ai còn dám mang đồ ăn dư về nữa. Việc mang đồ ăn dư về cũng vậy, gần đây không còn thấy nhiều người tỏ ra lạ lẫm, nhưng khi có một đám đông, sẽ vẫn còn khó khăn trong việc quyết định ai là người sẽ mang đồ ăn dư về.

Mặc dù các nhà hàng đã quen với chuyện khách sẽ mang đồ ăn dư về nhưng gần như rất ít nhà hàng có thói quen phục vụ khách khi khách gọi mang tô, dĩa ra để sớt bớt món ăn ngay từ đầu, khi khách thấy rằng có thể ăn không hết, sớt bớt cho sạch để để lại hoặc mang về. Thêm nữa, khi gọi món, còn không ít nhà hàng chưa chú ý đến việc lưu ý khách gọi món nhiều quá dẫn đến dư đồ ăn.

Đi ăn đám cưới ở một số nơi sang trọng, khách ít khi tự lấy đồ ăn vào chén, dĩa của mình nên hay bị dư trong chén, ngược lại thì đồ dư trong chỗ để chung còn sạch, không bị khoắng đũa muổng của khách vào. Khi dọn đi, ở một số nhà hàng thật sang, nhân viên có ý thức để tách riêng những đồ ăn thừa sạch và đồ ăn thừa dơ. Nhưng ở nhiều nơi, nhất là những nơi sang “vừa vừa”, không biết có phải để chứng minh với khách là nhà hàng không sử dụng đồ dư không mà nhân viên phục vụ thẳng tay vứt rác và đồ ăn thừa, xương… vào phần đồ ăn dư còn sạch. Trông mà xót cả ruột.

Ngược lại với vụ lãng phí đồ ăn dư ở một số nhà hàng, ở một vài nhà hàng khác, nhân viên xúm nhau vào ăn đồ ăn dư ngay tại bàn sau khi khách ra về, trông rất phản cảm. Có nơi không có khu vực riêng cho nhân viên, nhân viên gom đồ ăn dư vào một góc của nhà hàng rồi ngồi ăn, thậm chí còn cãi nhau ăn ít ăn nhiều. Không biết mọi người nghĩ thế nào chứ tôi không cảm thấy ổn lắm với việc này, dù rằng tôi rất ủng hộ việc sử dụng cho hết đồ ăn dư.

Trong một lần đến Dallas, đón taxi tại khách sạn Hyatt. Có đến vài trăm người xếp hàng chờ, trong khi taxi thì ít. Vậy là mấy anh bảo vệ nghĩ ra một cách. Khi người đến lượt lên xe cho biết sẽ đi đâu, anh bảo vệ hô to còn mấy chỗ cho hướng đó, thế là mọi người lên xe đi chung. Cách làm này vừa giải quyết được việc thiếu xe, vừa giảm bớt chi phí cho người sử dụng taxi.

Dù không phải luôn luôn đúng nhưng hành vi thường phản ánh mức độ văn minh của con người. Tiết kiệm là một trong những thước đo phản ánh mức độ văn minh của con người.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm