Li gián - “độc kế” giành con

Trong “cuộc chiến” này, có người dù đã được tòa giao quyền nuôi con nhưng cuối cùng vẫn thành “kẻ chiến bại” vì bị bên kia vu khống, bôi nhọ hình ảnh trong mắt con, khiến đứa trẻ từ chối không muốn sống chung với ba (mẹ) mà trong mắt chúng đã trở thành một người xấu xa...

Mất con vì ... bị nói xấu

Chị Trần Thị Ngọc Mỹ, tiểu thương ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, suốt ba năm qua phải vác đơn đi khiếu kiện khắp nơi vì bị tước quyền làm mẹ. Chị cho biết: “Hơn ba năm trời, tôi không được gặp con dù nhà chỉ cách nơi con ở 2km”. Sau khi ly hôn, dù tòa án huyện xử cho chị quyền nuôi dưỡng trực tiếp con gái (lúc ấy vừa lên tám) nhưng gia đình chồng chị cứ xin cho cháu ở bên nhà nội để cho tiện việc học hành... chị Mỹ đồng ý, chỉ đón con về nhà chơi mỗi cuối tuần.

Không ngờ chính vì vậy mà mẹ con ngày càng xa cách hơn vì ba má và các anh chị em bên chồng thường xuyên đặt điều nói xấu chị với con. Con chị tin lời bên nội, ghét bỏ mẹ vì “mẹ độc ác, mẹ bỏ ba theo trai...”. Trong khi sự thật, theo chị là “cha cháu bỏ tôi theo người khác, đã có với người ấy đứa con trai hai tuổi”. Chị kể: “Khi cháu lánh mặt tôi luôn, tôi khiếu kiện đòi quyền nuôi dưỡng con, thì ngay tại cơ quan thi hành án, cháu nói thẳng không muốn sống với mẹ vì đã quen sống với ông bà cùng cha và mẹ kế! Vậy là tôi mất con!”.

Chị Lê Thi Khanh, ở Q.1, ly hôn từ năm 2001, được tòa án giao quyền nuôi dưỡng trực tiếp con là cháu Hà Thị Phương Chi, sinh 1997. Nhưng sau đó, anh Hà Văn Hà - chồng cũ của chị, đã bắt con về nhà (cháu đăng ký hộ khẩu thường trú bên nhà anh Hà). Chị Khanh khiếu kiện. Năm 2002, TAND Q.1 tiếp tục xử cho chị được quyền nuôi dưỡng trực tiếp cháu Chi. Anh Hà vẫn không giao con. Nhờ thi hành án Q.1 can thiệp thì nơi đây mời lên tòa hòa giải, chị Khanh đồng ý giao con cho anh Hà nuôi, một tuần chị về thăm con một lần. Từ đó, chị bị gia đình chồng ngăn cản không cho thăm con, lại dạy con những điều không hay về mẹ, khiến cháu dần xa lánh mẹ. Năm 2009, chị yêu cầu thi hành án Q.1 tiếp tục thi hành bản án, nơi đây mời cả cháu Chi lên, cháu khẳng định không muốn ở cùng mẹ.

Anh Nguyễn Văn Hòa, ngụ ở P.Phú Mỹ, Q.7, người cha bị con gái từ chối lúc cháu lên tám tuổi, khẩn thiết: “Phải có quy định, chế tài nào đó về việc bôi nhọ danh dự người khác, ghi dấu ấn xấu trong con trẻ chứ! Những người cha, người mẹ bị cách ly như tôi biết phải làm sao khi những người ông, bà, dì, cậu và mẹ của con tôi nói xấu về tôi hàng ngày, hàng giờ”.

Nhiều bạn đọc khác cũng đã đặt vấn đề này với Báo Phụ Nữ: Pháp luật có quy định nào để xét xử những trường hợp bôi nhọ danh dự của cha, mẹ với con không? Có điều khoản nào có thể áp dụng được khi con trẻ bị gia đình chồng hoặc vợ dạy rằng mẹ có lỗi, cha hư đốn... quanh năm suốt tháng, tạo nên một hố sâu ngăn cách giữa trẻ đối với cha hoặc mẹ chúng?

Luật đã điều chỉnh... nhưng

Theo luật sư Nguyễn Thị Hồng Nga - Đoàn Luật sư TP.HCM, thì điều 92, Luật HNGĐ đã quy định khi tiến hành hòa giải các vụ tranh chấp quyền nuôi dưỡng trực tiếp con chung, tòa án hay cơ quan thi hành án phải tham khảo ý kiến của trẻ nếu trẻ từ đủ chín tuổi trở lên. Không ít cha mẹ đã mớm ý cho con kiểu như: Chỉ muốn sống với mẹ (hoặc với cha) và công khai nói xấu người còn lại. Thật ra, ý kiến đó không phải của trẻ mà do một bên tác động vào. Việc gây tác động xấu, bôi nhọ danh dự người khác trước mặt trẻ... cũng đã được pháp luật điều chỉnh. Khoản 2, điều 26, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định: “Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em đều bị xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật”. Việc nói xấu cha mẹ hay người giám hộ của trẻ chính là đã vi phạm điều luật này!

Tại điều 8, chương 2 Nghị định số 36/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có quy định: “Việc xúi giục, kích động trẻ em dưới mọi hình thức làm cho trẻ em thù ghét cha mẹ, người giám hộ là hành vi vi phạm quyền trẻ em”. Tuy nhiên, muốn khiếu nại phải có chứng cứ, mà tìm được chứng cứ “dạy trẻ nói xấu, hay đặt điều bôi nhọ danh dự một người khác” thì không đơn giản chút nào.

Tiến sĩ giáo dục học Võ Văn Nam - Khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết: “Nhìn ở góc độ giáo dục nhân cách một con người, cụ thể là một đứa trẻ, thì việc định hướng cho con trẻ xa lánh, khinh rẻ, xem thường phẩm hạnh, đạo đức, uy tín cha mẹ chúng như vậy trước tiên là có tội với trẻ, trong hiện tại và cả với tương lai. Điều mà những người lớn sống bên cạnh bé không lường hết là việc bôi xấu hình ảnh cha mẹ chính là cách thức “ngọt ngào” nhất, “nhẹ nhàng” nhất dẫn đến hình thành một nhân cách lệch lạc cho trẻ ở tương lai. Các nghiên cứu khoa học từng chứng minh, những người sống trong gia đình không toàn vẹn, có thái độ coi thường, khinh rẻ cha mẹ... đều có nguy cơ phát triển nhân cách lệch lạc, có khả năng dẫn đến những hành vi phạm pháp khi vào tuổi vị thành niên cao hơn nhiều so với những đứa trẻ trưởng thành trong mái nhà hạnh phúc”.

Theo Nghi An ( Phụ Nữ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm